Tôn vinh văn hoá đọc. Đó là một cụm từ mà chúng ta bắt gặp hàng ngày. Trong nhiều báo cáo để nói về trình độ dân trí, hoặc về sự phát triển của văn hoá đọc, người ta hay dùng thước đo là tỉ lệ số lượng sách xuất bản trên tỉ lệ số dân. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, số đầu sách được xuất bản, thậm chí là được đọc, lại không phản ánh trình độ dân trí. Bởi vì quan trọng là đọc gì. Và với tình trạng có sự thả lỏng trong xuất bản những năm qua, sách dở, sách kém, thậm chí là sách có hại tràn lan thì đọc vào còn có tác dụng ngược.
Đà Nẵng nhiều lần tổ chức Ngày hội sách để khuyến khích văn hóa đọc.
Có một thực tế ai cũng biết, cũng hiểu về cơ chế xuất bản liên kết hiện nay là thực ra việc tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành phần lớn đều do các nhà sách tư nhân thực hiện. Cả nước chỉ còn 1 vài nhà xuất bản ăn nên làm ra có thể tổ chức từ khâu bản thảo, lên kế hoạch xuất bản, tìm kiếm từ khâu sách hay đến việc tìm kiếm thị trường. Còn lại các nhà xuất bản chỉ còn giữ vai trò cấp phép cho những cuốn sách liên kết và trên danh nghĩa các nhà xuất bản giữ vai trò thẩm định, biên tập. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng được làm tốt. Trước hết là ở khâu biên tập. Trình độ biên tập viên thế nào? Có một thời nhắc đến tên tuổi các biên tập viên của các nhà xuất bản, đặc biệt là mảng sách văn học, là người ta thấy những tên tuổi nếu không lừng lẫy thì cũng có “biệt nhãn”, có “mắt xanh” để nhìn ra được những cuốn sách hay, sách quý. Nhiều cây bút đã được phát hiện, được động viên, được nâng đỡ để kịp thời phát lộ nhờ những biên tập viên có trình độ và có tâm với nghề biên tập. Còn bây giờ nhiều nhà xuất bản phải thừa nhận, số biên tập viên có kiến thức xã hội và kiến thức chuyên ngành còn mỏng. Thậm chí không nói đến những lỗi vi phạm lớn về kiến thức, thuần phong mỹ tục hoặc vi phạm đến mức phải thu hồi, nhiều nhà xuất bản có sách in ra đầy lỗi morat.
Trở lại với câu chuyện liên kết xuất bản, dù phải công nhận rằng nhờ mô hình xuất bản này, nhờ sự phát triển của các nhà sách tư nhân mà thị trường sách ngày càng phong phú, thì thời gian qua sách sai phạm phần lớn rơi vào dòng sách liên kết, nhiều nhà xuất bản chủ yếu sống bằng bán giấy phép liên kết, không kiểm định chất lượng sản phẩm. Thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, bình quân, hiện nay có tới 80 - 90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết. Thậm chí, với một số nhà xuất bản, tỉ lệ này còn chiếm đến trên 90%. Nhà xuất bản chỉ đóng góp tấm giấy phép xuất bản. Và từ đó sách nhảm nhí, sách dở, sách xấu, sách độc hại cứ việc tung hoành.
Chúng tôi muốn khẳng định lần nữa đóng góp của các nhà sách tư nhân. Họ đã có công lớn trong việc thúc đẩy thị trường sách, kịp thời mua bản quyền và xuất bản mảng sách nước ngoài cùng lúc với thị trường thế giới. Cho nên, tự thân việc liên kết xuất bản không có lỗi. Hay nói cách khác mô hình xã hội hoá trong xuất bản sách, cụ thể là liên kết xuất bản không phải là nguyên nhân gây nên sách xấu. Mà cái chính là vai trò quản lý, thẩm định của một số nhà xuất bản trong một số trường hợp khá yếu kém, buông lỏng quản lý trong khâu làm sách liên kết dẫn đến sách kém chất lượng ra đời. Như vậy ở đây vấn đề chính là yếu tố con người và lợi nhuận, buông lỏng quản lý và mức phạt không đủ sức răn đe.
Chúng ta nói đến đọc sách đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, trang bị kiến thức, định hướng tư duy và hình thành nhân cách. Nhưng tất cả những điều đó là vô nghĩa nếu đọc một cuốn sách dở, sách xấu, sách lệch lạc về tư tưởng, tình cảm. Chúng ta, nhất là con trẻ nhận được gì từ những cuốn sách sai, nội dung phản cảm. Thậm chí sẽ hình thành sự đổ vỡ niềm tin: Đến sách còn sai.
Có rất nhiều cuốn sách đã trở thành kinh điển, có nhiều cuốn khác mang giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục rất lớn. Không phải ngẫu nhiên, một số nhà sách hiện nay đang đi vào khai thác lại nguồn sách giá trị này của nhân loại và vẫn đang tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc. Điều này cho thấy nhu cầu được hưởng thụ những giá trị tinh thần đẹp đẽ là nhu cầu rất lớn của con người. Những cuốn sách có nội dung tư tưởng lệch lạc, giá trị thẩm mỹ thấp, thậm chí là sai lệch, phản cảm cho dù có lọt qua các kẽ hở luật pháp để được in ra thì cũng nhanh chóng bị độc giả tẩy chay. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý nhà nước thì việc tạo ra môi trường xuất bản lành mạnh, đảm bảo để xuất bản sách đẹp, sách hay, sách đúng là rất quan trọng.
Chúng ta tôn vinh văn hoá đọc, nhưng không phải là bạ gì cũng đọc, nhất là không để việc lợi dụng xuất bản để cài cắm những tư tưởng xấu, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, với thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam. Đọc gì là cả một vấn đề lớn, để sách thực sự mang ý nghĩa giáo dục và thẩm mỹ.