Đọc sách

TRẦN HỮU THĂNG 12/02/2022 06:36

Xuân sang, nhắc ta nhớ đến những người bạn thủy chung đã gắn bó với ta mấy chục năm trời, ngày càng đằm thắm, ngày càng thú vị. Một trong những người bạn thủy chung ấy là những cuốn sách, cũ có, mới có đang nằm trong các tủ sách gia đình do mấy thế hệ gom góp lại.

Cần tập thói quen đọc sách, cảm thụ sách từ thơ bé. Ảnh: Đại Hoàng.

Nhớ lại cách đây hơn 60 năm, khi còn học “Cổ học phương Đông” do cụ giáo Phong dạy ở trường Chu Văn An, lũ học trò chúng tôi nhớ đến suốt đời lời cụ dạy khi ta được may mắn gặp một cuốn sách hay. Cụ Phong dạy: “Thấy cuốn sách chưa được đọc thì như được gặp người bạn mới. Thấy cuốn sách đã được đọc thì như gặp lại người bạn cũ”. Cao quý thay lời hay ý đẹp của “Sách Cách ngôn” từ ngàn năm trước mà cụ Phong trích dẫn lại.

Đi sâu vào lợi ích của sách hay, nói cách khác là cơ chế khai thác giá trị của sách, cần chú ý đến những nhận xét mang tính tổng kết và nghiên cứu khoa học của các triết gia sau đây. Tác giả Albany đã viết: “Bao giờ sách cũng có nhiều trí tuệ hơn những người mà ta gặp”. Muốn hiểu rõ được câu này cần có một cách nhìn khái quát. Theo nhiều triết gia Đông, Tây, Kim, Cổ thì tại sao con người ta có thể trưởng thành được, khôn ngoan được, chín chắn được? Đó là nhờ có hai nguồn quý báu sau đây:

- Nhờ những người mà ta đã gặp trên đường đời: Đó là ông bà, cha mẹ, họ hàng ruột thịt khi ta còn nhỏ sống trong gia đình. Đó là các thầy, các cô giáo đã dạy ta từ lớp mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học. Đó là các bạn cùng lớp, cùng trường, cùng cơ quan, cùng khu phố, cùng xóm làng nơi ta cư trú. Mở rộng ra là các mối quan hệ xã hội mà con người sống và làm việc.

- Nhờ những cuốn sách mà ta đã đọc. Đó là các loại sách Giáo khoa ở các cấp học. Đó là những sách tham khảo về Triết học, Văn học, sách dạy làm người mà ta phải đọc suốt đời. Đó là những sách Khoa học kỹ thuật mà ta trau dồi nghiệp vụ, ngày càng khó, ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải nâng cao những kỹ năng mới, kiến thức mới thì mới có thể tiếp thu được.

Trong hai nguồn quý báu dạy ta nên người ấy, theo Albany thì sách quý hơn vì sách đã được chọn lọc, được cô đọng, được chỉnh sửa, được bổ sung sau các lần tái bản, nên sách có giá trị hơn, vững vàng hơn so với một cá nhân con người mà ta tiếp xúc. Đó là chưa kể đến những quy định quốc tế để thẩm định sách. Thí dụ: các sách khoa học kỹ thuật chỉ được coi là chính thức để dự các giải thưởng về khoa học kỹ thuật Thế giới bắt buộc phải có đăng ký và có mã số tại: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ hoặc Viện Đại học Oxford - Vương quốc Anh, hoặc Thư viện của Đại học Kỹ thuật Berlin.

Tiếp tục với mạch tư duy suy nghĩ về khai thác các giá trị của sách. Chúng ta đang sống ở thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, có ai biết mặt các Đại văn hào ở các thế kỷ trước như William Shakespear, Victor Hugo, Maxime Gorki, Lỗ Tấn, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Hàn Mạc Tử... Nhưng hàng ngày ta vẫn gọi tên họ, trích dẫn họ, vui buồn mỗi khi đọc lại tác phẩm của họ. Vì sao như vậy? Đúng như Sébastien Chamfort (1741 - 1794) đã chỉ dẫn: “Khi chúng ta đọc sách nghĩa là không phải chúng ta đang sống với người sống mà chúng ta đang sống với cả các vị đã khuất núi”.

Theo thống kê hàng năm của Tổ chức Văn hóa giáo dục (UNESCO) của Liên hiệp quốc thì hàng năm trên thế giới tái bản và phát hành hàng triệu bản các cuốn sách về Tôn giáo như Thánh kinh (Holy Bible), các kinh sách của đạo Hồi, đạo Phật và của các tôn giáo khác. Vì sao các cuốn sách ấy tiêu thụ được hàng triệu bản mỗi năm?

Vì các sách ấy dạy người ta sống lương thiện, biết yêu thương, giúp đỡ người khác, tự nguyện nhận lấy những khó khăn, vất vả về mình, tránh xa thói ích kỷ tham lam. Đã được có mặt ở trên đời, ai chả muốn mình trở thành người tốt để làm những việc tốt. Sách với nhiều chủng loại khác nhau đã giúp con người sống trên trái đất vượt qua bao khó khăn gian khổ để tồn tại. Sách thực sự là vũ khí, là nguồn sống của con người.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, cầm trong tay tấm bằng Cử nhân chỉ là bước đầu để học làm một người trí thức. Có người thui chột đi, chỉ còn lại vài kỹ năng để kiếm sống. Có người bỏ hẳn chuyên môn đã học đi làm nghề khác với mục đích kiếm tiền hoặc những tham vọng khác. Trên thực tế đã cho thấy ai có may mắn thấy cần đến sách, muốn được trông cậy vào sách để khôn lớn, để trưởng thành thì sẽ gắn bó suốt đời với sách.

Nhiều người đi du học và làm việc ở các nước công nghiệp phát triển có một thắc mắc, đó là tại sao ở chỗ đợi ra máy bay, đợi tầu điện ngầm, đợi xe bus ai cũng chăm chú đọc sách từ người già đến người trẻ, từ nam đến nữ. Người ta ít nói chuyện to tiếng hoặc tranh luận ồn ào. Tại sao trên máy bay, trong tầu điện ngầm, trên xe bus đại đa số hành khách chăm chú đọc sách, xem mạng, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh một cách yên lặng, không ồn ào, không làm phiền người khác.

Tác giả Christine de Pisan (1364 - 1430) đã giải thích như sau: “Đọc sách là một phần quan trọng trong bổn phận của người trí thức”.

Tác giả George Duhamel (1884 - 1966) thì giải thích: “Sách là bạn thân của sự yên tĩnh trong tâm hồn. Khi đọc sách một mình người ta tự soi xét mình, có khi tìm được sự tự đánh giá”. Chao ôi, được tự đọc sách một mình, được suy tư thật sâu lắng, được tập trung đến 100% thì thử hỏi có hạnh phúc nào sánh kịp.

Thói quen tập trung tư tưởng để đọc sách, để có thể gặt hái được hoa thơm cỏ ngọt từ trong sách không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng có may mắn được hưởng thụ. Phải tập thói quen đọc sách, cảm thụ sách từ bé. Phải được đi nghe các buổi lễ ra mắt sách của các nhà văn, nhà thơ có uy tín, có ảnh hưởng đến nhiều người.

Có nhiều người giàu có, thiết kế một phòng khách thật đẹp, có trang trí một tủ sách thật đẹp, thật đắt tiền. Nhiều cuốn sách đóng bìa carton rất đẹp, có quyển còn bọc da, bọc simili, ai thấy cũng trầm trò khen ngợi. Nhưng thật đáng buồn thay, năm qua, tháng lại, cái tủ sách ấy phủ đầy bụi. Nhiều cuốn sách vẫn chưa tháo giấy bóng kính bọc bên ngoài. Buồn hơn nữa là chủ nhân của những cuốn sách ấy chỉ đọc được vài ba dòng là buồn ngủ, rồi để sách rơi xuống sàn nhà.

Trở lại với câu chuyện đọc sách, ta thấy sách được nhiều người đọc ở các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu, châu Mỹ và những quốc gia có mức sống cao, ta càng thêm hiểu giá trị không có gì sánh kịp của các cuốn sách hay, sách đoạt hết tình cảm của con người.

Triết gia P.Terfaut đã cảnh báo: “Một cuốn sách có thể quyết định một cuộc đời hay hoặc dở của một đứa trẻ”. Thật đáng giật mình nếu ta không chú ý đến giáo dục gia đình, để trẻ em từ lúc còn thơ tiếp xúc với sách xấu, văn hóa phẩm không lành mạnh thì hậu quả sẽ thật khủng khiếp. Vì vậy cần phải hết sức coi trọng việc có những nhà xuất bản dành riêng cho trẻ em ở các lứa tuổi, những cửa hàng chuyên bán sách thiếu nhi, những loại sách hồng, sách luân lý.

Nhờ được đọc những cuốn sách tốt ngay từ khi còn thơ dại mà người ta đã đón nhận vào đời những đứa trẻ ưu tú không biết nói dối, sống không ích kỷ, có lòng thương xót và giúp đỡ người khác. Những lứa trẻ em ấy khi lớn lên sẽ thành các nhà phát minh tài giỏi, trung thực trong nghiên cứu khoa học, thiết tha với hạnh phúc của người khác.

Đại triết gia Pháp, ông Jean de la Bruyère (1645 - 1696) đã khẳng định: “Kết quả của đọc một cuốn sách tốt là nâng cao tri thức của mình lên, làm cho mình phát sinh ra những tình cảm cao thượng và can đảm”. Vậy nên ta phải trang bị cho cuộc đời mình kỹ năng tìm sách, lùng sách, cố mà tìm cho được những cuốn sách hay như La Bruyère đã dặn dò. Phải quyết tâm tránh xa sách xấu, sách độc hại vì chúng sẽ làm tổn thương tâm hồn chúng ta.

Trong thực tế cuộc sống chật vật với cơm, áo, gạo, tiền, việc đọc sách cũng cần có một số kỹ năng quan trọng sau đây:

- Đọc ít nhưng phải suy nghĩ nhiều: Có những trang sách ta phải đọc đi đọc lại mãi mới hiểu hết ý. Có những cuốn sách ta đọc từ lúc 20 tuổi, đến năm 60 tuổi đọc lại mới hiểu hết tác giả sâu sắc và tỉ mỉ đến độ đáng kinh ngạc, đáng kính nể. Triết gia Martin Tupper (1810 - 1889) đã dạy rất chi tiết: “Đọc ít mà suy nghĩ nhiều hơn là đọc nhiều mà lướt qua vội vàng”. Lời dạy thân tình này của Tupper làm ta liên hệ tới việc ăn uống. Nếu ta ăn chậm, nhai kỹ thì việc tiêu hóa diễn ra tốt đẹp, nhiều chất bổ béo được hấp thu vào người. Nếu ta ăn uống vội vàng thì phí cả lương thực, thực phẩm. Chả thế mà có người đã chê những ai đọc sách vội vàng, cẩu thả là “không tiêu hóa được” lời hay, ý đẹp mà cuốn sách mang lại, đó cũng là một liên hệ thú vị.

- Phải phân loại sách mà đọc mới có kết quả: Đúng như triết gia Francis Bacon (1561 - 1626) của nước Anh đã căn dặn: “Có một số sách chỉ nên nếm qua. Có một số sách nên nuốt. Chỉ có một vài cuốn là phải nhai và tiêu hóa”. Chao ôi, chi tiết đến thế là cùng! Nếm, nuốt, nhai, tiêu hóa không phải thức ăn mà là sách thì thật là vô cùng ngưỡng mộ, vô cùng khâm phục!

Khép lại bài viết, chỉ cần nhớ một danh ngôn bất hủ của triết gia G.W.Curtis: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của sự thông thái tích lũy lại”.

Cầu mong sang năm mới ai ai cũng được thụ hưởng ngọn đèn bất diệt ấy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đọc sách