Liên tiếp giảm giá xăng dầu, nhưng giá cước vẫn tải vẫn không nhúc nhích. Bộ Tài chính đã có văn bản đốc thúc các hãng vận tải xem lại cơ cấu giá để điều chỉnh lại sao cho hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Giá cước vận tải vẫn án binh bất động.
Theo khẳng định của Bộ Tài chính trong 2 tháng trở lại đây, giá xăng dầu có xu hướng giảm. Đặc biệt, ngày 18/12 vừa qua giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu, cụ thể xăng Ron 92 giảm 390 đ/lít, dầu điêzen 0,05S giảm 1.250 đ/lít. Thế nhưng trong quãng thời gian này, giá cước vận tải án binh bất động. Mà nếu tính cụ thể, cước vận tải đã đứng yên từ suốt tháng 9 đến nay.
Nếu tính ra trong cả năm kinh tế 2015, giá xăng dầu đã trải qua tổng cộng 18 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng và 12 lần giảm. Giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 1.500 đồng mỗi lít. Nhiều hãng taxi giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe Getz, Grant i10, Kia Moring là 6.000đ với km đầu tiên, từ km thứ 2 đến km thứ 30 là 11.000đ/km, từ km thứ 31 trở đi 9.000đ/km trong nhiều tháng nay.
Hãng taxi Nội bài Airport với dòng xe Vios 4 chỗ, niêm yết giá mở cửa: 8000 đồng/500m, 12.500 đồng từ km thứ 2 đến 30.
Cũng trong chiều ngày 22/12, đại diện một hãng xe vận tải đường dài phân bua: xe tải 1,25 tấn chạy quãng đường 100km trung bình hết 18 lít dầu. Mỗi lít dầu giảm 1.200 đồng. Tính cả quãng đường cũng chỉ giảm được gần 20.000 đồng. Vị này cũng cho rằng, con số này không bù lại các chi phí khác vào mùa cao điểm cuối năm. Chi phí dầu chỉ chiếm khoảng 30% vận tải.
Các lái xe của nhiều hãng taxi nói, việc cài lại đồng hồ rất “phức tạp” và “tốn kém” ăn cùng cả hệ thống hãng xe.
Theo tính toán, giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25-35% giá thành-chủ yếu là taxi; dầu chiếm khoảng 35-40% - chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa. Vì thế, giá xăng dầu giảm, giá vận tải cũng phải giảm ở mức tương ứng.
Các doanh nghiệp vận tải viện ra muôn vàn lý do để kéo dài, trì hoãn và thậm chí không giảm giá cước nhất là trong bối cảnh trong khoảng thời gian 3 tháng tới, dự báo nhu cầu vận tải, đi lại sẽ tăng vọt.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải trên địa bàn và bình ổn giá cả thị trường chung, theo thẩm quyền quản lý chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông -Vận tải tiếp tục phối hợp chỉ đạo các Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng tường quản lý giá cước vận tải.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay và giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước so với lần kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các Hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ theo quy luật thị trường và phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào.
Trước đó, vào tháng 9/2015 Bộ Tài chính cũng ra lệnh siết giá cước vận tải, kết quả các hãng vận tải tại địa phương giảm nhẹ cước ở phức phổ biến 3-5% tùy từng loại. Từ đó đến nay tiếp tục neo giá bất chấp giá xăng, dầu lùi xuống. Nhiều người còn so sánh giá cước vận tải và giá xăng như đôi đũa lệch. Nghịch lý là giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá vận tải lại không giảm hoặc giảm rất chậm đã được nói nhiều, nói mãi nhưng chưa cách gỡ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, nếu các doanh nghiệp bắt tay nhau chây ì giảm cước, các cơ quan quản lý có quyền vào thanh tra, kiểm tra và phạt nặng nếu phát hiện ra các chi phí giá bất hợp lý.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải công khai danh tính các doanh nghiệp ì trệ giảm giá cước để người tiêu dùng biết và lựa chọn.