Là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng đến nay, Bảo tàng Hà Nội vẫn im lìm chưa khai trương trưng bày. Trong lúc mọi việc vẫn rối như canh hẹ thì có phương án tính đưa Bảo tàng Hà Nội về Bộ VHTTDL quản lý.
Nếu việc này được thực hiện, chắc chắn công tác triển khai trưng bày sẽ tiếp tục chậm trễ. Đơn giản là người ta phải làm các thủ tục hành chính xong thì mới tính đến chuyện trưng bày.
Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.
Ngày 12/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã văn bản gửi Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng đề án chuyển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về TP Hà Nội và giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VHTTDL trình Thủ tướng.
Kế hoạch triển khai đề án rất chậm trễ. Bởi lẽ, cả hai cơ quan chủ quản là UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL đều không quản lý và chỉ đạo vận hành tốt Bảo tàng Hà Nội và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn hoạt động nhúc nhắc thì Bảo tàng Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn “ngâm cứu” chưa khai trương trưng bày được gì. Thậm chí, hiện tại ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Dự kiến đến tháng 8/2020 sẽ khởi công xây dựng trưng bày nội thất bảo tàng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021 để mở cửa đón khách tham quan.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đều có bảo tàng của địa phương mình. Nếu theo đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về cho Bộ VHTTDL quản lý thì khác nào Hà Nội không có bảo tàng? Điều này vừa bất cập với thực tế, vừa có vẻ “ngược” với quy định của luật pháp. Điều 47 Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể về phân loại hệ thống bảo tàng công lập ở Việt Nam. Khoản 3 Điều 47 quy định: “Bảo tàng cấp tỉnh là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu ở địa phương”. Điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Di sản văn hóa quy định: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng tư nhân”. Vì vậy, năm 2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 4/02/2009 về việc thành lập Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở VHTTDL Hà Nội.
Vì vậy, Bảo tàng Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý của UBND TP Hà Nội là phù hợp. Chắc chắn, khi xây dựng đề án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp nhiều lần, bàn bạc nhiều lần, xin phê duyệt dự án để triển khai dự án với tính khả thi, cấp thiết. Và chắc chắn, khi đó, dự án sẽ không đặt ra phương hướng hoạt động không hiệu quả như mục tiêu đề ra thì chuyển về Bộ VHTTDL.
Ngược lại, khi xây dựng đề án xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL chắc chắn cũng đã bàn thảo nhiều và cũng không đặt ra phương hướng không hoạt động hiệu quả sẽ chuyển giao sang UBND TP Hà Nội quản lý.
UBND TP Hà Nội không quản lý, chỉ đạo vận hành tốt Bảo tàng Hà Nội, thì cũng không có nghĩa sẽ quản lý tốt hay kém đi khi nhận Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về mình. Ngược lại, Bộ VHTTDL không quản lý, chỉ đạo vận hành tốt Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ quản lý kém hay tốt Bảo tàng Hà Nội nếu được giao về. Có lẽ từ suy nghĩ này chăng mà có kiến nghị Thủ tướng để hoán đổi hai cơ quan chủ quản?
Nếu việc hoán đổi diễn ra, chưa biết tương lai Bảo tàng Hà Nội và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có phát triển không; nhưng chắc chắn một điều sự xáo trộn về tổ chức, về hành chính sẽ là mối quan tâm đầu tiên của hai cơ sở này. Trong khi đó, mục đích của việc muốn hai cơ sở này phát triển lại chưa biết bao giờ thực hiện được.
Bảo tàng Dân tộc học đã chứng minh tính hiệu quả của nó hơn hẳn nhiều bảo tàng khác trên cả nước. Năm 1995, dù Việt Nam mới mở cửa, dự án Bảo tàng Dân tộc học không được đầu tư nhiều như Bảo tàng Hà Nội nhưng tại sao nó lại thu hút du khách? Chắc chắn không phải vì do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cơ quan chủ quản của Bảo tàng Dân tộc học giỏi quản lý. Nếu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giỏi quản lý bảo tàng thì sao không có ý kiến đưa Bảo tàng Hà Nội về cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý? Có một điều nhiều người đã biết, Bảo tàng Dân tộc học có được cơ ngơi phát triển như ngày hôm nay là do sự lãnh đạo tài tình của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc đầu tiên.
Từ dự án xây dựng, từ quy định của luật, thiết nghĩ không nên hoán đổi sự quản lý này. Nên chăng là sự hoán đổi hoặc thay thế những người lãnh đạo của hai cơ sở này nếu sau một thời gian quản lý không hiệu quả.