Bước vào quý I năm 2020, kinh tế Việt Nam trực diện đối mặt với một thách thức không ai có thể lường được trước đó. Du lịch, xuất khẩu nông sản và nhiều lĩnh vực khác lao đao trong “cơn bão” đại dịch nCoV. Để giữ được chỉ tiêu tốc độ tăng giá (CPI) bình quân dưới 4% mà Chính phủ đề ra cho năm 2020 đòi hỏi một bản lĩnh và nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ bây giờ.
Thị trường sau Tết sức mua giảm, giá tăng.
May mắn thay là kể từ khi Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và ngay cả đến khi công bố dịch, phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để ưu tiên đảm bảo sức khỏe và tính mạng nhân dân, chúng ta vẫn giữ được một sự bình ổn khá cơ bản về giá cả và đời sống. Tháng giêng mọi năm do ảnh hưởng từ Tết cổ truyền dân tộc, chỉ số CPI bao giờ cũng ở mức cao hơn các tháng khác. Năm nay cũng không nằm ngoài quy luật ấy kèm theo những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số CPI tháng 1/2020 đã ở mức cao nhất so với chỉ số tháng 1 của 7 năm qua. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chỉ số lạm phát tháng 1 xét trong bối cảnh chung vẫn cơ bản nằm trong tầm kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản đã được lường trước. Trước Tết vài tháng, giá thịt lợn đã tăng khá cao, tuy nhiên sau Tết, mức tăng đã dần trở lại bình thường…
Tháng 2 này với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, của việc cả hệ thống chính trị phải dồn sức “chống dịch như chống giặc”, của việc nhiều địa phương phải đóng cửa lễ hội, trường học và nhiều ngành kinh tế bị đình trệ, của nhu cầu trang thiết bị y tế và thực phẩm, thuốc men tăng cao, chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với một thực tế là chỉ số CPI sẽ còn tăng nữa. Nhưng trong sự khó khăn chung của cả nước, thậm chí ở quy mô toàn cầu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để giữa đỉnh điểm của dịch bệnh, của khó khăn thách thức, vẫn giữ được sự ổn định về cơ bản.
Cho đến nay, sự nhảy múa của thị trường khẩu trang, nước sát khuẩn và nhiều nhu yếu phẩm y tế khác về cơ bản được bình ổn. Các biện pháp mạnh tay xử phạt từ các cơ quan nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân không hoảng loạn mà hiểu đúng về dịch bệnh đã không còn tình trạng đổ xô xếp hàng tranh giành mua bán hàng hóa. Điều thực sự đáng lo ngại nhất khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra bao giờ cũng là việc đầu tư tích trữ lương thực thực phẩm tạo ra sự khan hiếm khiến giá cả thị trường tăng cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nguồn cung lương thực, thịt cá, rau xanh dồi dào đã giúp cho đời sống nhân dân ổn định. Không hề có cảnh đua nhau mua sắm tích trữ hay chen lấn, giẫm đạp để tranh giành lẫn nhau…
Các biện pháp triển khai phòng chống dịch bệnh và việc cho đến thời điểm này đại dịch nCoV vẫn đang trong tầm kiểm soát đã tạo cho xã hội một sự yên tâm cần thiết.
Chúng ta nói nhiều về các giải pháp của Chính phủ, nhưng mặt khác thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn sự đóng góp của người dân trong việc cùng với Chính phủ vượt qua thách thức. Bài học ở nhiều quốc gia cho thấy, mỗi lần xảy ra thiên tai ở mức độ khủng khiếp như sóng thần, động đất… người dân vẫn bình tĩnh xếp hàng nhận lương thực, thực phẩm cứu trợ hoặc mỗi người chỉ mua nhu yếu phẩm ở mức tối thiểu để còn nhường cho người khác là thái độ cần phải được mỗi người chúng ta chia sẻ trong những ngày này. Việc tích trữ tạo nên sự khan hiếm để đẩy giá tăng cao của các nhà thuốc và cả việc hốt hoảng đổ xô đi mua khẩu trang với số lượng lớn của người dân như trong những ngày vừa qua là một thái độ ứng xử chưa phù hợp. Hoặc việc lan truyền những thông tin thất thiệt làm hoảng loạn xã hội cũng là hành vi đáng lên án và cần phải được xử phạt nghiêm minh. Trong khi dịch bệnh vẫn đang trong phạm vi kiểm soát được, trong khi nguồn cung hàng hóa phục vụ cho đời sống nhân dân vẫn đang dồi dào thì việc giữ vững ổn định, bình ổn giá cả không có lý gì không thực hiện được.
Như đã nói ở trên, chỉ số lạm phát tăng trong tháng 2 này là không thể tránh khỏi. Thiệt hại của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Trong tình hình ấy mục tiêu đặt ra là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo đời sống xã hội diễn ra bình thường. Chỉ số CPI sẽ tăng nhưng mục tiêu của kiểm soát lạm phát là đảm bảo để sự biến động vẫn ở mức chấp nhận được, không gây nên khủng hoảng.
Dịch bệnh là một nguyên nhân khách quan đang đặt ra một thách thức lớn đối với đất nước. Chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh vượt qua thách thức ấy để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo ổn định đời sống xã hội, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế. Chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với tình thế trước mắt và lâu dài, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo bình ổn giá cả. Bất cứ một sự mất ổn định về giá cả nào xảy ra vào thời điểm này cũng chồng thêm khó khăn cho đời sống nhân dân vốn đang bị đe dọa bởi dịch bệnh. Cho nên chỉ cần Chính phủ đề ra các giải pháp phù hợp trong đó việc cần thiết là cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả; chỉ cần nhân dân bình tĩnh tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả… là chúng ta sẽ nhất định vượt qua thách thức.