Đầu tháng 11, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua TPP. Tuy nhiên, kỳ vọng về một TPP “xuôi chèo mát mái” đã không được như ý khi ông Donald Trump - người vừa đắc cử Tổng thống lại có ý định sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định này. Có ý kiến lo ngại, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ có những tác động tới Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu, do chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương.
Da giày dự báo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nếu không có TPP. Ảnh: TL.
Không đáng bi quan
Trong khối 12 nước tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể khẳng định, Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với tất cả các nước tham gia Hiệp định này. Nói cách khác, tham gia TPP, Mỹ giống như một “đầu tàu” sẽ kéo cả “con tàu” đi về phía trước. Và tất nhiên, đối với các nước, việc Mỹ tham gia TPP nhiều ảnh hưởng tích cực.
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và đang có ý định rút khỏi TPP đã lật ngược hẳn những viễn cảnh, kịch bản kinh tế mà tất cả các thành viên tham gia TPP đều đã từng kỳ vọng xây dựng lên, trong đó có Việt Nam. Không ít ý kiến đã bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, Mỹ không tham gia TPP, sức ảnh hưởng đến Việt Nam là có song không đáng lo ngại.
Là bởi, không có TPP, Việt Nam còn có hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác. Và mặc dù Mỹ không tham gia TPP, có thể Việt Nam không được hưởng nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn này nhưng sẽ còn nhiều thị trường xuất khẩu khác giàu tiềm năng.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, TPP triển khai thuận lợi sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cao cho Việt Nam. Song, nếu Mỹ rút khỏi TPP, kinh tế Việt Nam chưa hẳn đã xấu đi, nên không có gì đáng bi quan. Bởi theo vị chuyên gia này, hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là bổ sung chứ không có cạnh tranh.
Thêm nữa, theo TS Long, hiện nay còn có thêm một hiệp định chúng ta đang đàm phán là RCEP. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng nhiều nhất từ hiệp định này. Ngoài ra Việt Nam cũng đang đàm phán ký nhiều FTA khác. Nói như thế để thấy, nếu TPP không thành thì Việt Nam cũng còn rất nhiều các hiệp định khác.
Tham gia TPP, dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi.
3 kịch bản với TPP
Tuy nhiên, không hoàn toàn có cái nhìn lạc quan như vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, nếu TPP không thành, những tác động bất lợi đối với Việt Nam là không hề nhỏ.
Theo vị chuyên gia này, việc Quốc hội Nhật Bản đã thông qua TPP nhưng Mỹ đang có ý định rút khỏi TPP, có thể xây dựng 3 kịch bản. Một là TPP vẫn tiến hành mà không có Mỹ. Kịch bản hai, TPP sẽ thay đổi các quy định, điều khoản như đã từng đưa ra trước đó. Và kịch bản thứ ba, TPP hoàn toàn bị hủy bỏ, nếu không có Mỹ.
Đối với kịch bản thứ nhất, ông Hiếu cho rằng, nếu TPP với 11 thành viên vẫn được tiến hành mà không có Mỹ, lúc đó Nhật Bản hoặc một quốc gia nào đó mạnh về tiềm lực kinh tế như Canada chẳng hạn sẽ làm “đầu tàu”.
Song theo ông Hiếu, kịch bản này sẽ khó thực hiện vì Nhật Bản hay bất cứ một thành viên nào khác không thể có đủ khả năng lớn mạnh và vai trò như Mỹ có thể dìu dắt được cả một khu vực các nước thuộc TPP.
Với kịch bản thứ hai, vị chuyên gia này đưa ra giả thiết, TPP có thể sửa đổi nhưng sẽ phải đàm phán lại các quy định, điều kiện trong Hiệp định này, tuy nhiên đây là kịch bản khó có thể xảy ra vì theo ông Hiếu, đường lối của ông Donald Trump bảo vệ mậu dịch một cách cực đoan.
“Kịch bản thứ 3 rơi vào tình huống không còn TPP, lúc đó các nước thành viên hiện tại của TPP sẽ có hợp tác khu vực riêng của họ trong một hiệp định toàn cầu nào đó. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Với kịch bản nào xảy ra, cũng đều có nghĩa rằng, TPP trong tương lai sẽ không còn là TPP như đã từng kỳ vọng. Và như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều tác động đến Việt Nam. Bởi trên thực tế, Việt Nam đã mất rất nhiều công sức và thời gian để chuẩn bị cho tiến trình này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, khó có một hiệp định nào trong tương lai có nhiều ưu thế đối với Việt Nam như TPP. Và nếu TPP vẫn xuôi chèo mát mái, một cánh cửa rất lớn đã được mở ra cho Việt Nam với nhiều ưu thế, điều kiện thuận lợi về thương mại, mậu dịch mà các Hiệp định song phương và đa phương khác không thể có được.
“WTO chỉ dừng ở góc độ mậu dịch và thương mại thôi. Còn TPP có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nước thành viên, không chỉ lĩnh vực thương mại mà bao gồm trong đó cả các vấn đề về thể chế cũng như nhiều vấn đề xã hội khác” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù có hay không có TPP thì nền kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Và ở tầm vĩ mô cần chủ động dự báo và có kế hoạch, chiến lược đúng cho mục tiêu này. Thực tiễn cũng cho thấy Chính phủ đang nỗ lực, chủ động trước các diễn biến mới của tình hình.
“Kinh tế Mỹ và Việt Nam bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh, nhưng Việt Nam xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ và sản phẩm khác cho Hoa Kỳ, việc có thị trường nào đó thay thế được Mỹ là khó. Thứ 2, Việt Nam cam kết rất cao về cải cách thể chế khi tham gia TPP, ví dụ thời gian thông quan, hiện đang là 12 ngày giảm xuống chỉ còn 48 tiếng. Nếu không có TPP, TPP chậm lại, liệu chúng ta có đẩy mạnh được cải cách hay không?” – Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh.