'Đòi' lại vỉa hè: Phải thấu tình đạt lý

Theo Tiền Phong 02/03/2017 09:05

Nhìn nhận “cuộc chiến” giành lại vỉa hè tại một số quận, huyện được dư luận đồng thuận, song Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu lãnh đạo một số địa phương xử lý vi phạm “thấu tình đạt lý”, đúng quy định.

Cùng với việc lập lại trật tự lòng lề đường, TPHCM phải tổ chức lại kinh doanh,
bố trí công ăn việc làm, địa điểm buôn bán cho những người không có điều kiện.

Chiều 1/3, làm việc với chủ tịch UBND 24 quận huyện về lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân bày tỏ sự đồng tình. Lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ là làm một việc làm “thuận ý Đảng, lòng dân”, cần kiên trì và quyết liệt.

“Lòng lề đường một số nơi không thông thoáng từ rất lâu, bây giờ lập lại trật tự phải bằng tổng hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ cưỡng chế. Đồng chí Hải (Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải) rất hăng hái, tôi cũng phải kiềm chế, nhắc nhở sao cho đảm bảo các quy định pháp luật. Hôm qua tôi nhắc anh Hải như việc tháo dỡ chốt dân phòng chỉ cần nhắc anh em tự tháo dỡ. Cơ quan nhà nước phải làm gương là đúng nhưng làm vậy không hay. Việc tháo dỡ mấy chốt công an bảo vệ ngân hàng tôi cũng đã nhắc nhở anh Hải”, ông Phong lưu ý.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông cho biết, TPHCM có 2.558 tuyến đường không có vỉa hè và 2.274 tuyến có vỉa hè. Một số ít tuyến đường có vỉa hè trên 3m. Qua kiểm tra, các hộ buôn bán mặt tiền lấn chiếm, để xe, kinh doanh ăn uống để bàn ghế trên vỉa hè, tình trạng bán hàng rong, xe đẩy tay, xe kéo chiếm lòng đường, xe máy chạy trên vỉa hè vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do đặc trưng kinh tế mặt tiền đường, dân nhập cư chủ yếu là hộ nghèo vào TPHCM bán hàng rong ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TPHCM có đầy đủ cơ sở pháp lý, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện. Thành phố không có chủ trương đẩy đuổi người dân để thu hồi vỉa hè. Cùng với việc lập lại trật tự lòng lề đường, TPHCM phải tổ chức lại kinh doanh, bố trí công ăn việc làm, địa điểm buôn bán cho những người không có điều kiện, tìm vị trí đỗ xe cho người dân. Đơn cử như vừa qua quận 1 đã gặp gỡ, sắp xếp cho hơn 500 người bán rong tại công viên Bến Bạch Đằng vào nơi buôn bán ổn định.

Nên đưa cách làm ở Quận 1 ra Hà Nội

“Trước đây cũng có dịp ra quân dẹp vỉa hè, lòng đường rất rầm rộ, sau đó tắt ngóm, bởi vì có tình trạng bảo kê. Những ai bảo kê và những người vi phạm chính là người đang chống lại ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, TPHCM trong việc giải phóng vỉa hè”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên.

Ủng hộ cách làm của ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề kiện tụng sẽ theo quy trình, còn hành chính thì hoàn toàn có quyền xử lý các vấn đề đó ngay lập tức. Sau đó nếu người bị xử lý muốn kiện thì cứ ra tòa.

“Nhà xây trái phép, cơ quan chức năng có quyền đến xử lý, để xe vi phạm ở vỉa hè hoàn toàn có thể cẩu đi luôn. Xử lý hành chính phải nhanh nhất, khẩn trương nhất. Điều quan trọng là ông có sai hay không? Còn ông đừng nói người ta kéo xe đi là sai. Người ta hoàn toàn có quyền làm việc đó, đừng nói ông phó chủ tịch quận 1 sai. Việc làm đó không thể bị coi là lấy vi phạm để khắc phục vi phạm được”, ông Nhưỡng nói. Cũng theo đại biểu Nhưỡng, việc làm của ông Hải trong việc đòi lại vỉa hè, phải khẳng định đó là một mô hình.

Để vi phạm lòng đường vỉa hè không còn tái diễn, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị quy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đòi' lại vỉa hè: Phải thấu tình đạt lý