Làm sao để người nghiện ma túy cai nghiện thành công và đoạn tuyệt với ma túy? Làm sao để người dân hiểu rõ hơn về ma túy và người nghiện ma túy? Những vấn đề này đã được trao đổi tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội.
Theo ông Lê Văn Khánh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), hiện tại, có 60/63 tỉnh thành cả nước có tổng số 142 trung tâm cai nghiện. Hàng năm tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 đến 45.000 người. Mặc dù, trong 20 năm qua, nhiều giải pháp đã được áp dụng như: tăng thời gian cai 6-12 tháng lên 12-24 tháng, rồi lại áp dụng biện pháp quản lý sau cai 12-24 tháng nữa nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn giữ mức trên 90%.
Đến với hội thảo, bà Đặng Thị Hồng Nhung – Trưởng ban điều hành CBO Bồ Công Anh ở Nha Trang, Khánh Hòa chia sẻ: “Từng là người nghiện, cai nghiện thành công, nên tôi đã tổ chức mô hình cai nghiện tự nguyện vào ngày 14/4/2015. Ban đầu nhóm có 13 thành viên. Hiện tại, nhóm có 30 thành viên hoạt động tại huyện Diên Khánh, TP Nha Trang.
Nói về việc thay đổi các phương thức trị liệu, ông Dương Đức Thành – Giám đốc trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tại trung tâm, chúng tôi đã hệ thống hóa thành 3 nhóm: Giáo dục trị liệu, sinh hoạt trị liệu và lao động trị liệu.
Các quy chế được sửa đổi tăng sự hợp tác của người điều trị. Học viên được lựa chọn từ điều kiện phục vụ (chọn phòng ở, thực đơn, chọn bạn cùng ăn…) đến tự chọn liệu trình, thời gian điều trị. Cả thầy và trò đều phải đảm bảo kỷ cương. Trò được yêu cầu “kỷ cương, sòng phẳng, trách nhiệm”, thường xuyên 2 tuần có chương trình trò chuyện với giám đốc, định kỳ 2 tháng có đối thoại giữa học viên và lãnh đạo, và 6 tháng có khảo sát sự hài lòng với từng chức danh công tác tại trung tâm”.
Việc ứng xử với hành vi sử dụng và người nghiện ma túy, trên một số quốc gia đang hình thành các xu hướng mới. Theo đại tá Hoàng Anh Tuyên – Phó Chánh Văn phòng Thường trực phòng chống, tội phạm và ma túy (Bộ Công an) là các xu hướng: Phi hình sự hóa với người sở hữu và sử dụng chất ma túy. Đó là mặc dù không còn là tội phạm nhưng vẫn bị xử lý hành chính (phạt tiền, thu bằng lái xe…).
Ông Nguyễn Cửu Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo (Văn phòng Chính phủ) và ông Kenneth Robertson - Cố vấn điều trị nghiện, Cục quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần của Hoa Kỳ trình bày về cơ chế thí điểm áp dụng mô hình Tòa ma túy tại Việt Nam. Tại Florida (Mỹ), mô hình này đã được áp dụng từ năm 1989.
Tòa giải quyết các trường hợp tội phạm có liên quan tới lạm dụng chất gây nghiện, thông qua các biện pháp tổng hợp bao gồm: giám sát, xét nghiệm tìm chất ma túy, điều trị nghiện, cùng các biện pháp kỷ luật và động viên khuyến khích kịp thời. Tuy nhiên, theo đại tá Tuyên, việc áp dụng Tòa ma túy vào Việt Nam sẽ khó khăn khi hệ thống pháp luật không tương thích.
Liệu pháp sử dụng methadone thay thế được bà Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) trình bày cả những thuận lợi và tác dụng phụ. Với người cai nghiện khi dùng methadone là phải có mặt hàng ngày tại nơi cấp phát, nếu ngừng dùng thuốc thì người nghiện sẽ tái sử dụng lại ma túy.
Theo PGS. TS Mạc Văn Trang – Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy: “Thường người ta mắc nghiện do cô đơn, trầm cảm, tâm lý không ổn định, không có thú vui nào cuốn hút nên dễ sa vào ma túy. Vì vậy, cách tốt nhất để cai nghiện thành công là bằng con đường tâm lý.