Đổi mới cơ chế tài chính trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Người nghèo cùng tham gia góp vốn

Khanh Lê 08/04/2017 11:00

Thay vì chính sách cho không thì lấy người nghèo làm trọng tâm, làm động lực; trao quyền cho cộng đồng là một trong những định hướng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đã rõ, thể chế cũng đã đầy đủ tuy nhiên có thực hiện được không, giữa văn bản chính sách và thực tế thực hiện còn khoảng cách.

Cùng tham gia góp vốn sẽ khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tập trung vào vùng “lõi” nghèo

Tại hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 – Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với OXFAM tổ chức mới đây, đại diện Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông cho biết, việc triển khai chương trình giảm nghèo tại Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đơn cử như đến nay dù đã có nhiều cố găng nhưng chưa huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không ít ở một số địa phương và người nghèo.

Mặt khác, Đắk Nông là một tỉnh có ít các doanh nghiệp nên việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp còn khó khăn. Hiện nay có 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện, yêu cầu lồng ghép nguồn lực trên cùng địa bàn nhưng mỗi chương trình lại có mục tiêu, đối tượng, cơ chế quản lý, thanh toán riêng, rất khó thực hiện lồng ghép.

Không riêng gì Đắk Nông mà đây còn là thực trạng chung của nhiều tỉnh trong quá trình triển khai chương trình giảm nghèo. Từ những bất cập, hạn chế trên nói về những mục tiêu, định hướng cụ thể của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia về giảm nghèo cho biết: Cách xác định đối tượng hộ nghèo theo Chương trình được chuyển từ đo lường nghèo dựa vào thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều, nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, đồng thời thay đổi phương pháp xác định đối tượng từ điều tra thu nhập trực tiếp sang đánh giá các đặc điểm của hộ gia đình; tăng cường sự tham gia của người dân, phân cấp cho xã công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo.

Bên cạnh đó Chương trình đươc xây dựng theo hướng: Ban hành các tiêu chí xác định đối tượng, địa bàn; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trung hạn; thống nhất cơ chế tổ chức thực hiện; thống nhất bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình; ban hành khung giám sát, đánh giá chương trình.

Đặc biệt, Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 hướng tới một số điểm mới như: Tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi; Tích hợp các chương trình, dự án trước đây như: CT30a, 135, XKLD, Thông tin truyền thông; Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó cũng xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; gắn kết với thực hiện CTMTQG XDNTM và 21 Chương trình có mục tiêu; Thực hiện phân bổ vốn trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở; Chương trình lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về.

Vốn Nhà nước là “chất xúc tác”

Đánh giá cao những đổi mới về cơ chế tài chính trong Chương trình giảm nghèo song nhiều đại biểu cho rằng, chỉ đến khi người dân phải bỏ ra đóng góp (tối thiểu 10%), cùng chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề của Chính phủ thì ý thức của người dân về nguồn vốn đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho mỗi hộ cũng được nâng lên để có thể là chất xúc tác giúp người dân vươn lên bằng chính nội lực của mình.

Thực tế qua kiểm tra thực hiện chương trình giảm nghèo tại một số địa phương cho thấy, áp dụng cách tiếp cận phát triển cộng đồng trong hợp phần phát triển sản xuất và đa đạng sinh kế đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực cộng đồng. Theo đó, triển khai các mô hình, tiểu dự án dựa vào cộng đồng đã trao quyền cho cộng đồng thực hiện các tiểu dự án, còn vốn hỗ trợ từ bên ngoài đóng vai trò “vốn mồi” – chất xúc tác nhằm phát huy nội lực cộng đồng.

Về vấn đề này ông Thi cho biết, trước đây chính quyền rất quyết tâm để giúp người dân thoát nghèo nhưng hiệu quả chưa cao. Huyện đã mua giống bò lai sin phát cho hộ nghèo, phát giống cỏ để trồng cho bò ăn nhưng dân vẫn không thể phát huy được nguồn vốn được hỗ trợ. Qua kiểm tra cho thấy, cỏ giống được phát người dân có trồng, bò nhận về người dân có nuôi nhưng không làm chuồng trại, không chăm sóc bò cẩn thận bởi vốn được hỗ trợ “cho không” nên không chăm sóc chu đáo, bò sống hay chết cũng mặc kệ”.

Do đó Chương trình cũng chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo. Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện. Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Nguồn lực thực hiện Chương trình chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, điều này được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới cơ chế tài chính trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Người nghèo cùng tham gia góp vốn