Một đề thi Ngữ văn với ngữ liệu thoát ly sách giáo khoa được kỳ vọng sẽ đánh giá được năng lực đọc hiểu, phân tích và cảm thụ văn bản của thí sinh, tránh lối mòn học tủ, đoán đề bao năm nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Việc này nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu. Theo đó, trong quá trình học cần dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, trình bày. Tránh đọc chép và yêu cầu ghi nhớ kiến thức máy móc.
Để đổi mới cách đánh giá học sinh, các nhà trường cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Công văn của Bộ cũng nhấn mạnh việc tránh dùng các văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học. Việc này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của các thí sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật. Từ năm học 2022-2023, Bộ GDĐT yêu cầu các nhà trường bắt đầu áp dụng đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này.
Hướng dẫn này của Bộ GDĐT nhận được sự quan tâm của cả người dạy và người học cũng như dư luận xã hội bởi đã nhiều năm qua, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn lại được đặt ra. Một trong những lý do được nhiều người nhắc đến là vì phần làm văn chỉ giới hạn trong vài tác phẩm, trừ đi những bài đã ra, những bài ít ra và những bài trong nhóm “có khả năng cao” nên việc giáo viên và thí sinh đoán đúng đề không lạ.
Theo bà Hoàng Thị Tú Anh (Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội), dù cấu trúc đề thi hàng năm đều không đổi, tác phẩm văn học cũng có thể “đoán trúng” nhưng để đạt điểm cao, thí sinh vẫn cần có năng lực phân tích, cảm thụ tác phẩm thể hiện ở cách hành văn, lập luận, dẫn chứng liên hệ…
Đối với hướng dẫn mới của Bộ GDĐT, bà Tú Anh hoàn toàn ủng hộ vì sẽ giúp cả giáo viên và học sinh tránh được nhàm chán, những lối mòn quen thuộc bao lâu nay. Vất vả, khó khăn cho giáo viên chắc chắn sẽ tăng lên khi đổi mới đánh giá, kiểm tra học sinh nhưng tin rằng với sự chuẩn bị kỹ càng, tâm huyết, những giáo viên ngữ văn sẽ truyền cảm hứng, tình yêu đối với môn văn cho những thế hệ học sinh.
Một băn khoăn với nhiều giáo viên Ngữ văn ở thời điểm này đó là ở năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có nhiều bỡ ngỡ cả về phương pháp dạy học, tài liệu. Song ở nhiều nơi, sách giáo khoa vẫn chưa đến tay giáo viên; học sinh cũng chưa kịp mua sách giáo khoa để đọc trước. Việc chuẩn bị gấp rút trong khi Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết như thế nào khiến giáo viên bối rối chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đặc biệt là quy định, tiêu chuẩn nào đối với các dữ liệu ngoài sách giáo khoa có thể đưa vào đề kiểm tra khiến giáo viên rất băn khoăn, sợ khó quá hay mới quá, học sinh sẽ không làm được. Còn nếu quen thuộc thì sẽ khó phát huy được sự sáng tạo của học sinh?