Đổi mới doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp quốc gia

M.Loan 26/03/2016 12:53

Sáng 26/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, VCCI và Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo.

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị , Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DN TƯ Bùi Văn Cường; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; bà Victoria Kwakwa và cộng đồng DN trong nước và nước ngoài.

Hội thảo được tổ chức nhằm công bố các kết quả nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp, góp phần triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về “tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vương Đình Huệ cho rằng, một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Đề cập đến việc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong giai đoạn, cần tập trung thực hiện giải pháp để nâng cao tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển khuyến khích hình thành các thành phần kinh tế tư nhân đa sở hữu, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Chăm lo phát triển DN là nội dung quan trọng trong Nghị quyết ĐH XII.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo.

Năng lực cạnh tranh quốc gia nhìn nhận thế nào? Mối quan hệ giữa nó và năng lực cạnh tranh sản phẩm như thế nào? Với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam? Môi trường cạnh tranh của Việt Nam và sự cạnh tranh đối với sản phẩm của ta và các nước trong khu vực và trên thế giới như thế nào? Nguyên nhân thành công và các hạn chế ở đâu, khách quan chủ quan ra sao? Đó là những câu hỏi được ông Vương Đình Huệ nêu ra và đặt vấn đề: trong bối cảnh ấy, làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Tạo môi trường chung về thị trường để DN cạnh tranh bình đẳng, đóng góp nhiều cho tăng trưởng, an sinh xã hội; làm sao rút ngắn khoảng cách trong pháp luật và thực thi…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến một vấn đề được nêu trang trọng trong tinh thần và Nghị quyết ĐH XII đó là tinh thần khởi nghiệp quốc gia và mong muốn, các nhà nghiên cứu, những người tham gia hội thảo cùng bàn bạc, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy nó.

Ở góc độ của một người gắn bó với Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Kwakwa nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường lao động và môi trường kinh doanh trong bối cảnh của Việt Nam. Bà nêu quan điểm: Cần nỗ lực tạo ra sự bình đẳng từ chính việc minh bạch hóa. “Thay vì phân bổ cho những người có mối quan hệ thì phải làm sao bình đẳng.”- bà nói.

Muốn làm được điều đó, bà Kwakwa cho rằng, thái độ của Chính phủ cũng rất quan trọng; thủ tục rườm rà, điều tiết quá mức, tham nhũng… và việc không cung cấp được dịch vụ phù hợp cho DN sẽ tạo ra chi phí lớn. Qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy chúng ta cần nhấn mạnh sự minh bạch; phải cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế vận hành một cách trơn tru; cơ sở hạ tầng phát triển sẽ giúp kết nối và giảm khoảng cách; giúp giảm nghèo và bất bình đẳng; giáo dục, đào tạo cũng đóng góp phần rất quan trọng. Vì thế vai trò giáo dục và đào tạo hướng nghiệp, dạy nghề là vô cùng quan trọng để nâng cao trình độ người lao động; nâng cao năng suất, bà Kwakwa nhấn mạnh.

Gánh nặng thể chế “đè” doanh nghiệp

Đó là ý kiến được Chủ tịch VCCI đưa ra tại hội thảo. Cho rằng, đây là giai đoạn có tính chất quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam 5-7 năm , ông Lộc đưa ra lợi thế là: Chúng ta đã ký kết TPP- đó là lợi thế vì có cơ hội tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới. Chúng ta đi trước 5-7 năm-đó là lợi thế nhưng còn tùy thuộc chúng ta có tận dụng được không?

Đặt vấn đề theo cách tiếp cận của Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Liệu có làn sóng đầu tư mới hay không? Ông Lộc bày tỏ: Tôi nghĩ là có; nhưng tùy thuộc vào câu hỏi dành cho Chính phủ: Liệu có làn sóng cải cách thể chế mới không? Vì đây là bệ đỡ cho phát triển DN- ông Lộc chỉ rõ.

Ông nói, đây là lần đầu tiên ta khẳng định phải có thể chế kinh tế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, theo chuẩn mực phổ biến của thế giới. Lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân. Phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Nếu thực hiện được ba điều này thì sẽ có làn sóng đầu tư mới.

Nhưng, thực tế Việt Nam cho thấy, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”- thế chế nào thì DN ấy; DN Việt Nam có khả năng thích nghi cao. Để phát triển, họ cần hệ thống thế chế tốt, bệ đỡ tốt. “Chúng ta đặt mục tiêu năm 2016 nằm trong top về cải cách môi trường kinh doanh, thể chế. Tôi nghĩ, làm sao chất lượng thể chế của Việt Nam phải đứng đầu ASEAN- phải thế mới vượt lên, mới phát triển được. Gia nhập TPP như một tuyên ngôn đạt mục tiêu hàng đầu về thể chế”, ông Lộc nói.

H.Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO