Hiện đang là thời gian thi hết học kỳ I của học sinh phổ thông. Với học sinh lớp 1, đây là năm đầu tiên dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên có nhiều đổi mới trong tổ chức thi và đánh giá, xếp loại học sinh.
Cả nhà cùng học
Chị Phạm Hải Lý (KĐT Hồng Hà Ecocity, Thanh Trì, Hà Nội) có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết khoảng 3 tuần trở lại đây, mỗi buổi tối cả gia đình đều đóng cửa học hát, học thể dục… cùng con.
Lý do là vì cô giáo chủ nhiệm nhắn tin yêu cầu các bậc phụ huynh quan tâm toàn diện đến việc học của con, không chỉ là luyện chữ, luyện đọc hay làm toán mà cần đảm bảo nội dung của tất cả các môn học trên lớp.
“Sơ kết nửa học kỳ I, lớp con chỉ có 3 bạn đạt xuất sắc. Các bạn khác dù Toán, Tiếng Việt đều tốt nhưng lại rớt vì các môn khác chỉ “hoàn thành”. Nay chuẩn bị kiểm tra hết học kỳ, cô yêu cầu mỗi ngày quay lại video clip với nội dung học sinh hát 5 bài trong chương trình.
Yêu cầu thuộc lời, đúng giai điệu, hát kết hợp gõ đệm theo tiết tấu lời ca, theo nhịp và vận động theo bài hát. Ôn tập 3 nốt nhạc Mi, Son, La và đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay. Tương tự, môn thể dục cũng tập theo hướng dẫn trên mạng. Mỹ thuật thì đôn đốc, hướng dẫn con vẽ tranh theo chủ đề cô cho” - chị Hải Lý cho biết.
Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết hàng tháng cô đều có phiếu nhận xét chi tiết tất cả các môn học trong tháng gửi để phụ huynh cùng nắm được và hỗ trợ con em trong việc học.
“So với anh con trai lớn đang học lớp 2 theo chương trình hiện hành, nội dung kiểm tra hết học kỳ của cô em học lớp 1 cũng không có nhiều thay đổi nhưng cô giáo chủ nhiệm có lưu ý về việc sẽ chú trọng đánh giá toàn diện tất cả các môn với tinh thần không có môn nào là môn phụ, con cần dành thời gian ôn luyện tất cả các môn”, vị phụ huynh này tâm sự.
Đánh giá toàn diện
Phóng viên Đại Đoàn kết đã có một khảo sát nhỏ với một số trường thì thấy, cùng dạy theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) nhưng mỗi nơi lại triển khai dạy khác nhau. Tính đến ngày hôm nay, có lớp dạy đến bài 84 nhưng có nơi dạy đến bài 115, bài 104…
Trao đổi với ông Lê Hồng Vũ- Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ, Hà Nội, ông Vũ cho rằng đây chính là một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc dạy và học của thầy và trò phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực, trình độ tiếp nhận của đối tượng học sinh. Mỗi thầy cô giáo được quyền chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với thực tế năng lực của học sinh.
“Giáo viên lúc đầu được “cởi trói”, toàn quyền chủ động dạy học thì chưa quen với nếp mới. Bây giờ thì đã dần làm quen rồi. Cách làm này không sợ quá tải, chậm hay nhanh so với yêu cầu của chương trình như trước đây”, ông Vũ cho hay.
Chia sẻ thêm, ông Vũ cho rằng việc tổ chức kiểm tra hết học kỳ I do các nhà trường tự thực hiện, phòng giáo dục có chức năng rà soát lại các đề thi, thẩm định, xem xét để bảo đảm có sự đánh giá công bằng giữa các nhà trường, tránh tình trạng chênh lệch trong đánh giá học sinh trong cùng một địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng đến thời điểm này, học sinh lớp 1 của nhà trường đã đọc khá trôi chảy. Ban đầu mặc dù có những khó khăn nhất định do dịch bệnh Covid-19 hay giáo viên, phụ huynh chưa quen với sách giáo khoa, chương trình mới song đến nay, việc học đã đi vào quỹ đạo. “Đối với giáo dục chúng ta nên bình tĩnh, chúng tôi luôn cố gắng để bảo đảm chất lượng tốt nhất với học sinh của mình”, ông Khang nhận định.
Năm học này, học sinh lớp 1 sẽ được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Với riêng đề kiểm tra, thay vì 4 mức độ của đề kiểm tra như hiện hành tại Thông tư 22/2016 thì quy định mới chỉ còn 3 mức độ. Song không vì thế mà “dễ hơn”.
Bởi theo GS.TS Lê Phương Nga, giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, với chương trình mới, chú trọng phát triển năng lực, học sinh không chỉ học chữ, mà phải hiểu nghĩa (trước đây, học sinh học chữ không cần hiểu). Như vậy, việc học của thầy và trò sẽ có những thuận lợi và khó khăn hơn so với trước đây.
Trong đó, vai trò của phụ huynh trong đánh giá thường xuyên rất quan trọng. Bài kiểm tra hết học kỳ chỉ là một nội dung đánh giá còn việc đánh giá là cả một quá trình. Vì vậy, ông Lê Hồng Vũ cho rằng các nhà trường cần lưu ý với đề thi kiến thức chỉ là một phần, phần khác cũng quan trọng không kém là đánh giá các phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh.
Mặc dù chương trình năm 2018 chỉ mới triển khai ở học sinh lớp 1 nhưng quan điểm đánh giá chú trọng phẩm chất năng lực toàn diện của học sinh cần được quán triệt ở tất cả các khối lớp. Đó chính là quan điểm đổi mới dạy học hiện nay, không có môn chính môn phụ, mỗi học sinh được ưu tiên phát triển toàn diện mọi mặt và phát huy những điểm mạnh khác nhau của bản thân, như năng lực về thể dục thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…
Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ quan điểm phải kiên quyết phản đối và chấm dứt tình trạng đối xử với môn nghệ thuật như môn phụ, thậm chí giao cho các thầy cô dạy nghệ thuật nhiều công việc khác không liên quan khiến các thầy cô không chuyên tâm với nghề nghiệp của mình. “Tôi quan sát thực tế cho thấy những thầy cô hiệu trưởng có năng lực thực sự thì rất quan tâm phát triển kỹ năng, toàn diện cho học sinh chứ không chỉ chú trọng những môn văn hóa”, ông Nhạ nói.