Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới áp dụng từ năm học 2023- 2024.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Tuyết Nga - Chủ biên phần Địa lý SGK Lịch sử và Địa lý 4, bộ sách Cánh Diều đồng thời cũng là đồng tác giả SGK Lịch sử và Địa lý 4 của bộ sách hiện hành.
PV: Cùng tham gia biên soạn 2 bộ SGK hiện hành và SGK mới, bà có thể cho biết đâu là điểm mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh của bộ sách mới?
PGS. TS Nguyễn Tuyết Nga: Trong chương trình hiện hành thực ra đã có đánh giá kiến thức và kỹ năng rồi, còn trong SGK mới tăng cường hơn. Tôi lấy ví dụ trong môn Địa lý, kỹ năng cần đạt bao gồm nhiều nội dung và sách mới rất chú trọng điều này, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng làm việc với bản đồ. Ngoài ra có kỹ năng làm việc với bảng số liệu, biểu đồ, tranh ảnh, thông tin trong sách và nguồn thông tin ngoài sách…
Đối với đánh giá năng lực, SGK hiện hành chưa có. Tuy nhiên, quá trình giáo viên dạy học tích cực sẽ có cơ hội để phát triển năng lực, nhưng chưa thực sự chú trọng vào đó mà chủ yếu là ngẫu nhiên.
Chương trình 2018 đã quy định rất rõ 3 cặp năng lực chung và 3 thành phần năng lực đặc thù của môn học. Sách mới khi thiết kế các bài tập, các nhiệm vụ, câu hỏi, hoạt động… thì tác giả luôn hướng đến điều đó. Như vậy, giáo viên cực kỳ thuận lợi nếu chỉ thực hiện theo SGK đã có cơ hội rồi. Trên thực tế, khi tôi đi dạy một số tiết thử nghiệm, giáo viên vẫn có thể đưa vào những phương án hay hơn trong sách, từ đó dạy học hiệu quả hơn. Tất nhiên, còn phụ thuộc cả vào điều kiện địa phương và trình độ học sinh, nhưng rõ ràng sách có chủ đích, hệ thống, thực sự học sinh sẽ đạt được mục tiêu, năng lực, phẩm chất như chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.
Cụ thể, môn Lịch sử và Địa lý 4 mới đánh giá học sinh như thế nào, bằng cách nào, thưa bà?
- SGK hiện hành nói đến việc giáo viên đánh giá, học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, thậm chí có sự tham gia đánh giá của phụ huynh học sinh và cộng đồng. Tuy nhiên, khi biên soạn SGK mới, tác giả đã rõ ý tưởng và người thực hiện cũng nhận thức rõ hơn, nên kết quả đạt được có thể rõ nét hơn sách hiện hành.
SGK mới môn Lịch sử và Địa lý 4 vẫn có đánh giá bằng bài kiểm tra. Có 2 bài kiểm tra chính là học kỳ 1 và cuối năm. Trong quá trình học, cô giáo cũng dùng bài kiểm tra để làm minh chứng cho quá trình đánh giá. Sau khi triển khai sách này, các bài kiểm tra cũng sẽ khác so với chương trình hiện hành. Giáo viên sẽ đẩy thêm những bài tập, tình huống để phát triển năng lực, thậm chí có cơ hội để phát triển phẩm chất học sinh hơn trước kia. Trước đây, chúng tôi cũng thiết kế các bài kiểm tra, thậm chí cũng là người đi tập huấn các Thông tư 22, 27 nhưng rõ ràng “màu” của năng lực và phẩm chất đã có nhưng chưa được đẩy lên cao.
Thứ hai là kiểm tra bằng sản phẩm của học sinh. Theo đó, học sinh sẽ làm các sản phẩm, như phải vẽ được sơ đồ này, làm được áp phích này, thông điệp. Sản phẩm đó là một trong những minh chứng góp phần đánh giá học sinh một cách toàn diện và chính xác nhất. Có thể là sản phẩm học sinh viết, vẽ sơ đồ hoặc lên thuyết trình, tranh biện… Đây là phần mới của bộ sách bởi chúng tôi cho rằng, khi tranh luận tạo tư duy rất tốt.
Đối với việc quan sát quá trình học tập của học sinh, giáo viên có thể đánh giá được năng lực như giao tiếp, hợp tác, tự chủ, tự học… của mỗi học sinh là khác nhau.
Thưa bà, nhiều người lo với chương trình mới, SGK mới học sinh sẽ quá tải. Điều này có xảy ra với môn Lịch sử và Địa lý 4?
- Với học sinh tiểu học, ở lớp 1, 2 và 3 học môn Tự nhiên xã hội. Đến lớp 4 thì chia ra làm 2 môn Lịch sử - Địa lý và môn Khoa học. Tất nhiên, những vật liệu nội dung mà chúng tôi đưa vào cố gắng là cơ bản và thiết thực nhất, chúng tôi muốn đẩy lên yếu tố rèn kỹ năng và năng lực nhiều hơn thì trọng tâm của sách là quá trình học sinh học tập để có cách học, đọc đúng với phương pháp học tập Lịch sử, Địa lý. Tất nhiên chúng tôi vẫn phải đảm bảo yêu cầu trong chương trình, chắc chắn không thể không theo, bao gồm các kiến thức lịch sử, địa lý cơ bản, tối thiểu và phù hợp với chương trình.
Để đáp ứng sự phân hóa của học sinh giữa các vùng miền, các trường, các lớp, thậm chí là giữa học sinh trong một lớp, chúng tôi không bắt buộc học sinh phải đạt được ngưỡng đó phải học cho bằng được, vì vậy sẽ không gây quá tải. Học sinh học nhanh cũng không phải đứng lại một chỗ chờ học sinh yếu hơn. Điều này thể hiện sự phân hóa trong quá trình biên soạn sách. Tất nhiên, để đạt được điều này còn phụ thuộc vào trình độ, sự tâm huyết của giáo viên.
Trân trọng cảm ơn bà!