Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII hồi giữa tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới đòi hỏi cấp thiết của việc đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta trong bối cảnh mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp; phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp.
Cũng cần nói thêm rằng, yêu cầu cấp bách về việc đổi mới mô hình tăng trưởng được Đảng ta đặt ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của đất nước tuy ổn định nhưng chưa vững chắc.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII sáng 14/10.
Bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn. Và cũng vì thế mà nhu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nói là đổi mới nhưng đổi mới thế nào? Đó luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm. Chuyên gia đã nói nhiều và không phải bây giờ mới đề cập mà cách nay đã dăm năm vấn đề này từng được nhắc đến nhiều. Điều đó cũng hoàn toàn có lý khi mà chúng ta đã bàn đến nó, đã thực hiện nó nhưng kết quả mang lại thực sự vẫn chưa được như mong muốn.
Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ khoá XI, chúng ta đã tích cực tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, “mô hình tăng trưởng ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ; tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư và tăng số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế” - Tổng Bí thư nói tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.
Những thực tế nêu trên rõ ràng cho thấy vấn đề sức ì của nền kinh tế là có thật. Nhìn vào tốc độ tăng GDP và xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đủ thấy, chỉ tiêu đạt thấp so với cùng kỳ và dự báo; tăng trưởng nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra; thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao.
Nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, chậm được xử lý căn bản và triệt để. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm, gặp nhiều trở ngại. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề bức xúc…
Cùng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới; những khó khăn nội tại của kinh tế đất nước đang đặt chúng ta vào thách thức không nhỏ. Cũng vì thách thức và vượt qua thách thức mà hơn lúc nào hết, giờ đây đổi mới mô hình tăng trưởng đã không thể chậm trễ hơn nữa.
Cần hiểu rõ mô hình tăng trưởng mà nước ta đổi mới, xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường.
Quan trọng hơn cả là làm sao khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước. Chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…
Kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.
Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực.
Đổi mới mô hình tăng trưởng vì thế bao gồm nhiều mắt xích; nhưng một trong những mắt xích quan trọng mà Nghị quyết TƯ mới ban hành nhấn mạnh, đó là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế”.
Một điểm quan trọng nữa là dù có đổi mới mô hình tăng trưởng như thế nào thì cũng cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng nóng; chỉ lo phục vụ nhu cầu trước mắt. Những sự cố môi trường xảy ra gần đây đã minh chứng cho điều này.
Đặc biệt, lần này, Nghị quyết đã thêm một lần nhấn mạnh việc tăng cường liên kết bốn nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để lựa chọn phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, từng vùng và cả nước.
Và với nông nghiệp- một thế mạnh sẵn có của Việt Nam thì nhấn mạnh đến ưu tiên quan tâm đầu tư, cơ cấu lại, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả; phát triển chuỗi nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu.
Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang sản xuất theo hộ gia đình liên kết trong hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế hợp tác khác.
Thực ra, đổi mới mô hình tăng trưởng hay nói cách khác là đổi mới cách tiếp cận và sáng tạo trong mô hình tăng trưởng rất cần những cá nhân sáng tạo; những doanh nghiệp tự “lột xác” và cần nhất là một tinh thần khởi nghiệp trên phạm vi quốc gia.
Trong Nghị quyết lần này, Trung ương đã nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Và, “khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp.
Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan toả đối với các khu vực kinh tế trong nước.
“Để tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp quốc gia, chúng ta phải chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và cả hai khối doanh nghiệp này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp đặt kỷ luật thị trường với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhà nước” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có lần đề cập như thế khi trao đổi với báo chí hồi đầu năm.
Cũng đã có những bàn bạc để sửa đổi chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Nhưng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả ba góc độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Mà, để có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và thực thi của các cơ quan công quyền thì cần tác động theo chiều ngang tạo ra một môi trường thuận lợi nhất.
Chúng ta đang làm và cần làm mạnh hơn nữa để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sự đổi mới mô hình tăng trưởng theo như yêu cầu của thời đại và của xu thế phát triển chung.