Đổi mới sau 30 năm

Hữu Nguyên 17/12/2016 08:29

Ba mươi năm trước, ngày 15/12/1986, Đại hội Đảng lần thứ VI chính thức khai mạc, mở ra một giai đoạn bước ngoặt cho đất nước, thường được gọi là “thời kỳ Đổi mới”.

Lĩnh vực nông nghiệp là thành tựu nổi bật của Đổi mới.

Cũng cần phải thấy rằng, 30 năm đổi mới đã làm thay đổi rất lớn diện mạo kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo đánh giá của GS. Ricardo Hausmann, Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), kinh tế Việt Nam hiện tại đã tăng trưởng 4,3 lần so với năm 1986. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã thay đổi từ gạo, tôm cá, khoáng sản… sang các sản phẩm điện tử, công nghệ cao. Hiện, năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam xếp thứ 27/123 nước trên thế giới.

“Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. Tầm vóc và ý nghĩa cách mạng sâu sắc của công cuộc đổi mới thể hiện ở việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc gia cũng ý thức được rằng đất nước tarước nhiều khó khăn, thách thức. Trong mười năm trở lại đây, khi chúng ta hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, nhiều yếu kém nội tại, nhất là những bất cập về thể chế, quản trị đất nước, đã bộc lộ rõ hơn, làm cho tiến trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững gặp khó khăn, làm tăng nguy cơ tụt hậu của nước ta với các nước công nghiệp và ngay cả với nhiều nước trong khu vực.

“Đúng là cho đến thời điểm này, chúng ta chưa ý thức đầy đủ về yếu tố thời gian, chưa nhận thấy những tổn thất to lớn khi để lỡ cơ hội vàng trong suốt thời gian dài. Không phủ nhận những thành quả của đổi mới, nhưng 30 năm quả là quá dài. Nhiều nước ở Đông Á với chỉ trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế. Với những thuận lợi như ở vào thời đại dân số vàng, ở giữa dòng chảy của tư bản và công nghệ, tri thức kinh doanh tại vùng năng động nhất thế giới mà Việt Nam không tạo ra được kỳ tích phát triển như họ”- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét.

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Thủ tướng Chính phủ với Mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam có những thành tựu không nhỏ nhưng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận quá trình phát triển đang bộc lộ nhiều yếu điểm. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp. Các mặt văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường còn nhiều bất cập, phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng, cuộc sống của nhân dân ở một số vùng còn rất khó khăn...

Một trong những thách thức quan trọng thuộc phạm trù chủ quan, từng được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ ra là: “Hệ thống quản trị quốc gia và thể chế kinh tế đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Điều này thể hiện rõ trong sự cồng kềnh và kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và những bất cập trong việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường. Một mặt, sự can thiệp chủ quan của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp bằng các biện pháp hành chính còn chậm thay đổi”.

Mặt khác, vai trò của Nhà nước trong việc dẫn dắt, hỗ trợ phát triển và khắc phục các khiếm khuyết của thị trường chưa được phát huy đúng mức. Chất lượng của nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng còn thấp; thực hiện thiếu nhất quán, kỷ luật kỷ cương không nghiêm, bị chi phối bởi “bệnh thành tích”, chạy theo tốc độ tăng trưởng, “tư duy nhiệm kỳ” làm cho đầu tư dàn trải, nợ xấu cao, nợ công tăng nhanh...

Nhìn chung, nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên, lao động trình độ thấp và sử dụng nhiều vốn, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Chất lượng và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn thấp so với tiềm năng và chênh lệch khá xa so với các nước trong khu vực. Thực lực công nghiệp của nước ta trên thực tế vẫn rất nhỏ.

PGS.TS Trần Ngọc Anh- Đại học Indiana, trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại. Những điểm nghẽn này rõ ràng đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững. PGS.TS Trần Ngọc Anh khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu cứ “đổi mới” theo kiểu phong trào và hô khẩu hiệu thì chỉ càng khiến “đổi mới” trở nên cũ kỹ, thậm chí phản tác dụng. Bởi lẽ, cải cách hay đổi mới trong giai đoạn phát triển hiện nay không đơn giản chỉ là tháo bỏ những rào cản, thay đổi các nhận thức giáo điều, xóa bỏ tư duy bao cấp, quan liêu xơ cứng như 30 năm trước.

Đổi mới trong giai đoạn hiện tại đòi hỏi phải có tư duy kiến tạo - phát triển, xây dựng thể chế, tổ chức hành động và quản trị hệ thống. Không chỉ có vậy , xu thế ”đổi mới” và những nhà quản trị cải cách còn phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, đôi khi một mất một còn với các nhóm lợi ích bất chính, cùng với những thế lực luôn kiên trì mục tiêu kìm hãm sự phát triển của người Việt Nam. Đó là chưa kể đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn nhiều diễn biến phức tạp làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và xói mòm niềm tin của xã hội.

“Đổi mới” trong giai đoạn hiện nay chắc chắn sẽ rất gian truân – có cuộc đại phẫu nào mà lại không khó khăn, đau đớn. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thành Tự Anh, cái giá phải trả cho sự trì hoãn cải cách còn lớn hơn gấp bội. Quyết tâm đổi mới, tiếp tục cải cách đã có và được ghi trang trọng trong các văn kiện ở tầm quốc gia. Vấn đề còn lại là hành động, là cải cách một cách thực chất, chỉ như vậy mới tạo nên sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới sau 30 năm