Mở rộng thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII được coi là sự đổi mới, đột phá trong công tác tuyển dụng, qua đó có thể ngăn chặn được tình trạng “chạy chức, chạy quyền” tìm được người tài xứng đáng vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo cần phải có một sự đổi mới trong cách thi tuyển.
Ngoài hiện tượng chạy chức, chạy quyền thì tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là do công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Do đó để khắc phục các bất cập trên, Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, thực hiện mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, việc mở rộng diện quy hoạch và tổ chức thi tuyển mới có thể trọng dụng được cả người trong và ngoài Đảng có tài đức, tâm huyết phấn đấu cho đất nước. Đồng thời việc đổi mới phương thức tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý bằng cách thi tuyển cạnh tranh sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay khi thi tuyển cạnh tranh là những cá nhân được quy hoạch cấp ủy hoặc đang là cấp ủy không trúng tuyển, còn người trúng tuyển lại ngoài quy hoạch thì xử lý thế nào?, TS. Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính cho rằng, nên rộng cửa cho các ứng viên dự thi nằm trong diện quy hoạch động, quy hoạch mở của một chức danh nào đó, thậm chí quy hoạch ở đơn vị khác thay vì quy hoạch khép kín chỉ có một người cho một chức danh như lâu nay. Theo đó, có thể áp dụng trước bước sơ tuyển, xét tuyển để chọn những ứng viên có đủ các tố chất cần thiết rồi tổ chức thi tuyển.
Theo ông Lê Nam, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, muốn ngăn chặn được các tệ như “hậu duệ; quan hệ; tiền tệ” thì không cách nào khác bằng việc thi tuyển cán bộ một cách công khai, minh bạch, cạnh tranh, dân chủ. “Tại sao chúng ta không đưa 5 ông Bí thư, Chủ tịch huyện hay Giám đốc các Sở để bầu ra 1 ông Phó Chủ tịch tỉnh?”-ông Nam đặt ra vấn đề và cho rằng như thế mới cạnh tranh, mỗi người có đề án thì sẽ khắc phục được câu chuyện chạy chức chạy quyền. Cạnh tranh là phải cạnh tranh trong công khai minh bạch, và đây là một trong những yếu tố tốt nhất để chọn được người tài.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nạn chạy chức, chạy quyền trong thời gian qua đã diễn ra dẫn đến bố trí cán bộ không hợp lý, có những cán bộ không có năng lực trình độ, thiếu hiểu biết lại bố trí vào vị trí lãnh đạo cho nên công việc không được bảo đảm.
Vừa qua Bộ Chính trị đã họp và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu chấm dứt chạy chức, chạy quyền, ai chạy thì không dùng, không bố trí. Đó là vấn đề rất tâm huyết được nhân dân cả nước đồng tình hoan nghênh. Cho nên muốn chống chạy chức, chạy quyền phải thi tuyển cán bộ lãnh đạo có năng lực, trình độ, nhiệt huyết, tâm tầm và trí để phục vụ nhân dân. Thi tuyển cán bộ lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi sẽ giúp công tâm, khách quan tuyển được người tài phục vụ cho đất nước.
Tuy nhiên để việc thi tuyển chức danh lãnh đạo một cách khách quan, công tâm theo ông Hòa cần có một quy trình thi tuyển công khai đối với các chức danh Vụ trưởng, hay Giám đốc sở trở lên bởi công chức còn phải thi tuyển mới tuyển dụng thì không có lý do gì các chức danh lãnh đạo lại không thi tuyển công khai trong khi đây là việc làm nhân văn, văn minh, tạo sự bình đẳng giữa các cán bộ với nhau trên mọi phương diện để chọn ra người đúng thực chất có tâm và tầm.
“Theo tôi không chỉ các chức danh lãnh đạo vụ, phòng, giám đốc các sở mà tới đây nhiều chức danh lãnh đạo cao hơn cũng phải thi tuyển” - ông Hòa kiến nghị.