Tỉnh Bắc Giang vừa hoàn thành công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng công tác Mặt trận, quá trình đổi mới bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự, tiếp đó, là những chương trình hành động sát với thực tế, nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.
PV Tinh hoa Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang để làm rõ những kinh nghiệm của Bắc Giang trong quá trình tổ chức Đại hội cũng như những phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019-2024.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao tặng Đại hội tỉnh Bắc Giang bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết – Dân chủ - Đổi mới – Phát triển”. (Ảnh: Vũ Mạnh).
PV: Được biết Bắc Giang chủ trương đổi mới công tác Mặt trận ngay từ khâu chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ các cấp tỉnh. Xin ông cho biết cụ thể nét mới của công tác tổ chức Đại hội năm nay?
Ông Trần Công Thắng: Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Đến nay, Bắc Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ các cấp, đã hiệp thương cử được 8.072 vị Uỷ viên Uỷ ban đảm bảo đúng thành phần, cơ cấu. Việc đổi mới được tập trung ngay từ khâu tổ chức nhân sự, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính của Chính phủ. Đối với cấp huyện, có 8/10huyện, thành phố bố tríChủ tịch Ủy ban MTTQ đồng thời là Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy. Đối với cấp xã, vai trò của Mặt trận được chú trọng hơn bằng con số 223/230 vị Chủ tịch là cấp ủy.
Để Đại hội MTTQ là dịp ghi dấu ấn trong nhân dân, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội MTTQ các cấp. Phong trào thi đua nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng của MTTQ, các tổ chức thành viên các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tạo ra đợt sinh hoạt chính trị toàn diện, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Xin ông cho biết hiệu quả cụ thể của phong trào thi đua chào mừng Đại hội MTTQ các cấp trên địa bàn để các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm và học hỏi.
- Sau khi phát động, MTTQ và các tổ chức thành viên đề ra các công trình, phần việc cụ thể để triển khai. Toàn tỉnh có trên 2.000 công trình, phần việc của MTTQ, các tổ chức thành viên các cấp và các tầng lớp nhân dân chào mừng Đại hội. Các công trình chào mừng có tổng trị giá gần 20 tỷ đồng, gồm: Nhà Đại đoàn kết, xây dựng đường giao thông, cứng hóa kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường; khám chữa bệnh, tặng quà người nghèo... Đặc biệt là Chương trình xây mới 450 nhà "Đại Đoàn kết toàn dân" của Ủy ban MTTQ tỉnh đến hết tháng 6/2019 đã hỗ trợ 235 hộ xây dựng nhà, dự kiến bàn giao toàn bộ số nhà trên trước ngày 18/11/2019. Cán bộ, công chức, viên chức MTTQ tỉnh Bắc Giang thi đua thực hiện văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Nhiệm kỳ vừa qua cũng được xem là nhiệm kỳ nhiều thành công của MTTQ tỉnh Bắc Giang. Mặc dù Mặt trận đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện, nhưng theo ông, có những bài học nào của nhiệm kỳ cũ có thể ứng dụng trong công tác của nhiệm kỳ 2019-2024?
- Tất nhiên, dù đổi mới đến đâu cũng phải dựa trên thành tựu, kinh nghiệm mình tích luỹ được. Chúng tôi nhận thấy có một số bài học đáng chú ý sau: Trước hết là sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nhân tố quyết định thành công của công tác Mặt trận; vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các thành viên của Mặt trận phải thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, về vị trí, vai trò của Mặt trận để thống nhất thực hiện, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong thực tế công tác. Tiếp đó, muốn thành công, mọi hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; MTTQ phải lắng nghe, phản ánh trung thực, kịp thời; thực sự là người đại diện quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức việc giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả. Vai trò của MTTQ được phát huy là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên và mọi tầng lớp nhân dân; do đó, MTTQ phải làm tốt hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động với các thành viên, chủ trì hiệp thương và phân công các thành viên để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. MTTQ phải phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để tạo ra cơ chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của mình; phải thường xuyên đôn đốc và giám sát việc thực hiện công việc của các bên.
Cuối cùng, nhân tố then chốt là MTTQ phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ; mời gọi các lực lượng xã hội đồng lòng, góp sức cho công tác Mặt trận; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu Ủy ban MTTQ các cấp; phát huy vai trò ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đề ra 5 chương trình hành động lớn trong nhiệm kỳ 2019–2024. Vậy ông cho biết điểm nhấn trọng tâm của các chương trình này và giải pháp để thực hiện thành công.
- Như tôi đã nói, Mặt trận chú trọng đổi mới trong hoạt động nên trọng tâm thứ nhất là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; tăng cường công tác thông tin về cơ sở. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Bắc Giang ở ngoài tỉnh, nước ngoài chung sức vì cộng đồng, xây dựng quê hương.
Đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận chú trọng nâng cao chất lượng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động. Bên cạnh đó, phải vận động các nguồn lực xã hội thực hiện phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình đã đăng ký, đảm nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả, tạo sức lan toả của mô hình. Chú trọng hoạt động bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua gắn với Cuộc vận động; tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình tự quản có hiệu quả ở phường, xã, khu dân cư.
Công tác giám sát, phản biện đã được thực hiện hiệu quả thời gian qua tiếp tục được đầu tư đi vào chiều sâu, chú trọng giám sát hoạt động quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tăng cường công tác giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hướng dẫn MTTQ cấp xã vận động người dân tham gia giám sát ngay từ mỗi cộng đồng dân cư; phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Công tác cán bộ luôn đóng vai trò quyết định trong thành công nên chúng tôi chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ phải đảm bảo về năng lực, trình độ, có bản lĩnh trong triển khai nhiệm vụ; đề cao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định, kết quả công tác. Cán bộ MTTQ hướng về cơ sở thực chất hơn, gần dân, sát dân, hiểu dân; nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin; kịp thời nắm bắt và phản ánh tình hình nhân dân, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của dân; hướng dẫn giúp đỡ hoạt động MTTQ cấp xã và đặc biệt là hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư để đẩy mạnh các hoạt động của Mặt trận gần dân, sát dân để đáp ứng được yêu cầu của công tác Mặt trận trong tình hình mới.