Đổi mới tư duy về nông, lâm trường

H.Vũ (thực hiện) 30/11/2015 09:10

Hiện các nông lâm trường đang chiếm một diện tích đất rất lớn. Làm sao để các nông lâm trường phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cần phải được đặt ra. Nhân Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về sử dụng đất nông lâm trường, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Du Lịch về vấn đề này.

Đổi mới tư duy về nông, lâm trường

TS Trần Du Lịch.

TS Trần Du Lịch cho rằng, không thể đồng hóa nông trường với lâm trường. Lâm trường mục tiêu hoàn toàn khác với nông trường. Lâm trường mục tiêu là bảo vệ rừng, giữ rừng, trồng rừng mới, bảo đảm độ che phủ, môi trường và đặc biệt là gắn với bảo vệ mục tiêu an ninh- quốc phòng.

Riêng nông trường thì hoàn toàn thuần túy là khai thác kinh tế gắn với hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp. Nếu ghép chính sách nông, lâm trường với nhau là không đúng, cần tách hai cái đó ra.

PV: Thưa ông, trong những bất cập về vấn đề đất nông, lâm trường thì đâu là điểm vướng mắc nhất?

Ông Trần Du Lịch: Vấn đề nông trường, lâm trường là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau từ cơ chế chính sách và cách giải quyết vấn đề, chúng ta không nói chung lâm trường, nông trường. Bởi có đặc điểm chung của một số nông trường, lâm trường là khi giải quyết vấn đề tổ chức sản xuất là giải quyết đa mục tiêu, có kinh tế, có xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an ninh chính trị, có chính sách dân tộc.

Để đánh giá một mô hình tổ chức đa mục tiêu như vậy là rất khó, không đơn giản. Tôi nghĩ rằng cái đánh giá của ta nên đánh giá từng phần và để thấy được vấn đề nào, mục tiêu chính của tổ chức đó đạt được hay không đạt được? Tôi cho rằng như vậy mới làm rõ được chính sách.

Về các lâm trường, chúng ta phải tách biệt. Đối với 2,4 triệu ha đất lâm trường sản xuất gọi là rừng sản xuất trong 6,9 triệu ha thì 2,4 triệu ha rừng sản xuất, 2,5 triệu rừng phòng hộ và khoảng 2 triệu ha rừng đặc dụng. Đặc điểm 3 loại rừng này hoàn toàn khác nhau về mô hình và khoảng cách, chính sách. 2,4 triệu ha là rừng sản xuất, tức là chúng ta trồng rừng để có giá trị kinh tế.

Tôi cảm thấy rằng chúng ta kéo dài quá lâu cách tổ chức sản xuất không phù hợp, hoặc là chính sách chưa phù hợp với từng đối tượng. Rừng sản xuất cơ chế phải là sản xuất, mà đã sản xuất thì phải gắn với chế biến; cũng chưa bàn làm sao gắn rừng sản xuất với chế biến để nâng giá trị lên bằng cơ chế nào. Và cần tách biệt hoàn toàn đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Vậy cần cơ chế sản xuất nào, thưa ông?

-Tôi cho rằng phải đổi mới tư duy về mô hình tổ chức. Nếu xét trong tổng thể quá trình đổi mới của nước ta thì lĩnh vực đất nông, lâm trường chúng ta duy trì một cơ chế quản lý không phù hợp. Cần hiểu rằng doanh nghiệp nhà nước cải cách đổi mới từ đầu thập niên 90 với tất cả loại hình, tuy nhiên lĩnh vực nông, lâm trường thì lại duy trì mô hình quốc doanh không phù hợp, quá dài.

Riêng về rừng sản xuất và đất nông nghiệp của các nông trường, tôi cho rằng vấn đề lớn nhất đối với quỹ đất này là làm sao mang lại hiệu quả. Làm sao đặt ra cơ chế ai khai thác mà đưa khoa học công nghệ vào được, đưa vốn vào được để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Và đặc biệt, điều kiện cứng là giải quyết việc làm cho các nông trường viên, cho người dân tại chỗ. Nếu thỏa mãn điều kiện đó ta công khai minh bạch và đấu giá sử dụng. Vốn không có, con người như cũ, công nghệ không có thì khó có thể giải quyết.

Thưa ông, để các nông lâm trường phát huy được thế mạnh của mình gắn với phát triển kinh tế tái cơ cấu nông nghiệp thì cần giải pháp nào?

-Tôi cho rằng, thứ nhất không đồng hóa giữa nông trường với lâm trường. Lâm trường mục tiêu hoàn toàn khác với nông trường. Lâm trường mục tiêu là bảo vệ rừng, giữ rừng, trồng rừng mới, giữ môi trường, độ che phủ và đặc biệt là gắn với bảo vệ an ninh- quốc phòng chứ không phải là mục tiêu khai thác kinh tế. Riêng nông trường thì hoàn toàn thuần túy là khai thác kinh tế gắn với hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp. Thành ra chúng ta thường ghép chính sách nông, lâm trường với nhau là không đúng. Quan điểm của tôi là tách hoàn toàn hai cái đó ra.

Thứ hai, nông trường với gần 5 triệu ha đất theo Nghị quyết 118, đa dạng hóa. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp kỹ thuật cao họ than phiền rằng hiện nay kiếm tìm 100ha để có thể thuê lại là khó khăn trong khi hàng triệu ha sử dụng không hiệu quả. Như vậy vấn đề đặt ra là mô hình sử dụng quản lý đối với các nông trường phải thay đổi thế nào? chúng ta duy trì kiểu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không? hay là chúng ta mạnh dạn cho thuê quỹ đất này với điều kiện những người thuê đất đưa vốn vào, đưa công nghệ cao vào thay đổi cơ cấu cây trồng nâng năng suất cạnh tranh và sử dụng nguồn lao động tại chỗ.

Bên cạnh đó, cần nắm rất chắc quỹ đất của các nông trường, lâm trường hiện nay. Đây là diện tích đất rất hiếm, không tái tạo được. Theo tôi nghĩ, vấn đề ở đây là tư duy, quan điểm đối với mô hình tổ chức sản xuất của các nông trường, lâm trường chứ không đơn giản chỉ là việc tình trạng lấn chiếm, tranh chấp ở một vài nơi. Những chuyện đó có thể giải quyết được. Việc lớn hơn là cần làm thế nào để sử dụng quỹ đất này hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới tư duy về nông, lâm trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO