Càng về cuối năm, nhiều vụ việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, đòi nợ “khủng bố” càng diễn biến phức tạp. Không chỉ “con nợ” mà những người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của họ cũng bị vạ lây. Thời gian qua, xuất hiện những câu chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người bỗng nhiên bị vu khống, bôi nhọ hình ảnh nhằm gây áp lực đòi nợ người vay... khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.
Diễn biến phức tạp
Mới đây, Công an TP Hà Nội và Công an TPHCM đã khởi tố hàng loạt vụ án, khởi tố bị can liên quan đến những vụ đòi nợ thuê gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, ngày 20/11, Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 13 bị can để điều tra hành vi “vu khống” nhằm mục đích đòi nợ xảy ra tại Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset.
Theo cơ quan điều tra, qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện một số công ty thu hồi nợ sử dụng phương thức dùng điện thoại di động gọi điện đe dọa, chửi bới, dùng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ.
Trước đó, ngày 4/11, lực lượng công an thuộc các đơn vị nghiệp vụ (Công an TPHCM) đã kiểm tra hành chính tại văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset. Đây là công ty nước ngoài (do người có quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng Giám đốc) có trụ sở chính ở quận 1 (TPHCM), được cấp giấy phép hoạt động “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.
Khách hàng khi có nhu cầu vay tiền phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp mỗi tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Các nhóm nợ được chia làm 5 nhóm (tùy theo số ngày nợ). Đối với nhóm nợ trên 6 tháng, các nhân viên sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội liên tục gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa; cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.
Tại Hà Nội, ngày 10/11, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp 9 đối tượng trong một công ty mua bán nợ về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc.
Thông tin từ lực lượng chức năng, từ đầu tháng 9/2022, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện một số Công ty lợi dụng danh nghĩa Công ty cổ phần mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê. Thủ đoạn các đối tượng là mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ "xấu", nợ khó đòi. Công ty này có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ, nhóm hoạt động có quy định "ngầm".
Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, các đối tượng cho nhân viên đi gửi thông báo cho “con nợ”, gửi thông báo cho công an cơ sở về thời gian đến làm việc. Để gây sức ép và “thị uy”, nhóm đối tượng này ăn mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên, đi xe ô tô dán biển “Công ty mua bán nợ”… rồi đe dọa, chửi bới, thậm chí ở tại nhà “con nợ” để khủng bố tinh thần. Nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, công việc, cuộc sống gia đình bị đảo lộn.
“Hợp thức hóa” nạn đòi nợ thuê?
Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học cho rằng, việc thuê đòi nợ và đòi nợ thuê ẩn chứa nhiều rủi ro pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”. Bên cạnh đó, người thuê đòi nợ và người đòi nợ thuê cũng có thể gặp phải những rủi ro khác liên quan đến các tội danh trong Luật Dân sự và Luật Hình sự quy định. Do đó, để ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê, chế tài xử phạt như luật định hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe.
Bởi lẽ, để thu được các khoản nợ đến hạn mà con nợ mất khả năng thanh toán, hoặc chây ì không muốn trả, bên đòi nợ thường phải gây áp lực tinh thần lên con nợ bằng nhiều cách thức khác nhau. Tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả của hành vi đòi nợ bằng các biện pháp không được pháp luật cho phép, người thuê đòi nợ và đòi nợ thuê có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.
Từ chỗ là người có quyền đòi nợ, nhưng sử dụng các phương pháp trái pháp luật mà chủ thể có thể phải gánh chịu các hậu quả pháp lý không mong muốn. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ thuê gần đây đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Về bản chất, các đơn vị, tổ chức, công ty, các cá nhân đòi nợ thuê là chủ thể không có liên quan đến khoản vay. Họ thực hiện ủy thác quyền đòi nợ của chủ nợ đối với con nợ để hưởng thù lao.
Trên thực tế, các chủ thể trung gian này thường đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, nghĩa là sử dụng sức mạnh cơ bắp, “luật rừng”, “luật ngầm” để khủng bố tinh thần con nợ, tạo áp lực, buộc con nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Đã từng xảy ra nhiều vụ án bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, làm nhục người khác… liên quan đến hoạt động đòi nọ.
Nguyên nhân của việc thuê đòi nợ có nhiều, nhưng một trong số đó là việc dù bên cho vay hoàn toàn có thể dùng hình thức khởi kiện dân sự, nhờ tòa án giải quyết và đòi các khoản nợ đến hạn, tuy nhiên, khả năng đòi nợ theo con đường chính thống không cao và mất thời gian nên họ phải dùng đến bên trung gian để giải quyết. Theo đó, hình thức phổ biến nhất là đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để đánh vào tâm lý, uy tín của con nợ. Thủ đoạn của các đối tượng trong băng nhóm đòi nợ thuê cũng rất tinh vi.
Để lách luật và tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng này thường dùng thủ đoạn làm cho con nợ sợ hãi nhưng hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống Luật sư X) cho biết, tình trạng đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp, đặc biệt vào dịp cuối năm, không những vậy còn biến tướng khó lường, hiện nay còn có dấu hiệu hình thành các công ty thu hồi nợ để lách luật nhưng thực chất hoạt động không khác gì băng nhóm, hành động rất manh động và côn đồ, coi thường pháp luật.
Theo quy định của Luật Đầu tư mới sửa đổi, bổ sung, đòi nợ thuê là ngành nghề bị cấm kinh doanh. Người thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê sau ngày 1/1/2021 là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng đòi nợ thuê đang được biến tướng nhằm lách luật vẫn xảy ra ngang nhiên. Theo đó, các công ty đòi nợ thuê thực hiện việc ký các hợp đồng giả thông qua hình thức “mua bán nợ” để mua lại khoản nợ. Về bản chất là mua lại quyền về tài sản, tuy nhiên thay vì trả một khoản “tiền cứng”, khi thu hồi khoản nợ sẽ trích phần trăm khoản nợ đòi được.
Cũng theo Luật sư Nghĩa, tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”. Bên cạnh đó, người thuê đòi nợ và người đòi nợ thuê cũng có thể gặp phải những rủi ro khác liên quan đến các tội danh trong Luật Dân sự và Luật Hình sự quy định. Do đó, để ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê, chế tài xử phạt như luật định hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe.
“Bởi vậy, cần hành động quyết liệt hơn từ cả chính quyền và cơ quan chức năng. Ngoài việc bổ sung các chế tài như tăng mức xử phạt, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên những cơ sở tư vấn tài chính để phát hiện nguy cơ đòi nợ thuê. Từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý” - Luật sư Nghĩa nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống Luật sư X):
Vẫn còn kẽ hở
Mua bán nợ bằng hợp đồng mua bán không bị pháp luật ngăn cấm, các quyền và nghĩa vụ do 2 bên tự thỏa thuận, nhưng không được để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật khi đòi nợ. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay nhiều công ty lấy danh nghĩa mua bán nợ nhưng thực chất là đòi nợ thuê biến tướng với nhiều hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự, quyền đòi nợ là quyền tài sản. Chính vì được coi là một loại tài sản, nên quyền đòi nợ được phép tham gia vào các giao dịch dân sự, trong đó có việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau. Về bản chất, việc mua bán nợ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng thực tế hiện nay cho thấy, pháp luật vẫn còn một số kẽ hở, khoảng trống, cho nên mới có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp trong tình trạng đòi nợ thuê từ mua bán nợ. Nhiều công ty mua bán nợ cũng ngang nhiên lập website quảng cáo, lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội hoạt động “tích cực” nhằm thu hút khách hàng.
Để ngăn chặn vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hệ luỵ cho xã hội, cần có thêm những quy định chặt chẽ, quy định rõ ràng liên quan đến hoạt động này. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, lực lượng công an cũng cần đẩy mạnh kiểm tra và hành động quyết liệt liên quan đến tình trạng trên.
Bên cạnh đó, người dân không liên quan đến việc vay tiền, nếu bị đe dọa khủng bố đòi nợ, hãy giữ lại những bằng chứng, hình ảnh, để báo cơ quan chức năng xử lý về hành vi vu khống.