Sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả đối sánh giữa điểm thi và điểm học bạ THPT của thí sinh dự thi năm nay, Nghệ An là địa phương có chênh lệch lớn nhất: 1,7. Tiếp đến là Quảng Ninh (1,69), Phú Yên (1,67), Hà Giang (1,65), Hà Nội (1,47)…
Có 46 tỉnh, thành có mức chênh lệch từ 1,0 đến 1,7. Trong số này có nhiều tỉnh có truyền thống về điểm thi cao như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, nhưng cũng có nhiều tỉnh thuộc các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Đáng chú ý, những tỉnh có điểm thi tốt nghiệp nằm trong top đầu năm nay lại có mức chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ thấp, như Bình Dương ở mức 0,32, Nam Định 0,77, Hà Nam 0,93…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cũng là năm đầu tiên Bộ GDĐT áp dụng việc đối sánh nhằm kiểm tra những điểm bất thường trong kết quả thi, trong việc đánh giá học sinh ở bậc phổ thông để có những điều chỉnh nếu cần thiết. Cách làm là so sánh điểm trung bình của các môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 THPT của thí sinh.
Theo nhận định của Bộ, mức chênh lệch của 63 tỉnh, thành đều ở mức chấp nhận được. Mặc dù vậy kết quả đối sánh cũng thể hiện có một số địa phương độ chênh lệch rộng cho thấy các trường phổ thông có phần linh động trong việc đánh giá học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đánh giá trong quá trình dạy học đều căn cứ theo một chuẩn đầu ra chung của chương trình giáo dục phổ thông. Nếu tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch thì cần tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá sát với yêu cầu.
Điều đáng lưu ý là năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương, việc đối sánh này cũng là một trong những biện pháp kiểm tra tính nghiêm túc của các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi.
Theo các thầy cô giáo và ý kiến của nhiều phụ huynh, việc đối sánh kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của học sinh ở THPT có ý nghĩa làm tăng cường tính minh bạch của kỳ thi tốt nghiệp. Có thể thấy sự tương đồng giữa điểm thi cuối cùng và điểm quá trình cũng mang tính tương đối. Trong một số trường hợp cụ thể, vẫn có sự khác biệt nhất định, điều đó cũng là bình thường.
Tuy nhiên cũng có thể nhận ra sự bất thường nếu người ta nhìn thấy sự khác biệt/cách biệt quá lớn giữa điểm thi và điểm học bạ của học sinh. Nếu việc này được lưu tâm sớm hơn nữa, hẳn sẽ ngăn ngừa được gian lận thi THPT quốc gia ở những địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Như vậy, về cơ bản, việc đối sánh kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của học sinh ở THPT có ý nghĩa tốt trong việc góp phần ngăn ngừa tiêu cực trong kỳ thi; đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh dự thi cũng như đảm bảo tính khách quan của một kỳ thi.
Ngoài ra, việc đối sánh điểm thi và điểm học bạ do Bộ GDĐT thực hiện còn giúp phát hiện những “điểm trũng” trong giáo dục để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. Sự phân tích kết quả đối sánh giữa học và thi còn là căn cứ để đổi mới công tác quản lý, đổi mới việc dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi đơn vị, mỗi địa phương.