Ở số báo 293, ĐĐK đã thông tin về Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến Thành phố Bắc Giang”, trong đó nêu ý kiến của GS Lê Văn Lan. Trong số báo này, PV Báo ĐĐK có cuộc trò chuyện với TS Sử học Khổng Đức Thiêm - một trong những người đề xuất việc khôi phục danh xưng Phủ Lạng Thương cho TP Bắc Giang.
Di tích chùa Vẽ- TP Bắc Giang.
PV:Thưa, ông có thể cho biết một vài luận chứng của đề xuất đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương?
Chúng tôi biết rằng, việc thay đổi danh xưng của một đơn vị hành chính sẽ để lại nhiều hệ lụy về thời gian, công sức và tiền bạc của người dân. TS Khổng Đức Thiêm |
TS Khổng Đức Thiêm: Cuộc đánh chiếm của người Pháp hồi trung tuần tháng 3/1884 mở ra thời kỳ cận đại đối với địa phương. Bắt đầu từ đây những chủ nhân của nền kinh tế tiểu nông tiệm cận với phương thức kinh tế tư bản phương Tây. G
ần như ngay lập tức, danh xưng Phủ Lạng Thương vốn được gắn với những hoạt động quân sự đẫm máu nhất của đội quân viễn chinh ở Viễn Đông bằng sự có mặt của hàng ngàn binh lính, hàng ngàn phu mộ vận tải súng đạn, hàng chục pháo thuyền được gắn đại bác, được chỉ huy bởi nhiều tướng tá có kinh nghiệm trận mạc chuyển sang một đô hiệu - thương hiệu có hạng về hành chính - thương mại khi Phủ Lạng Thương lần lượt được lựa chọn làm tỉnh lỵ cho tỉnh Bắc Ninh (7/1888), tỉnh Lục Nam (6/1891) và cuối cùng là tỉnh Bắc Giang (10/1895); là nơi đầu tiên ở Bắc Kỳ được đường sắt của Pháp quốc hải ngoại đặt những mét đường ray bằng thép (4/1889).
Đến đầu thế kỷ XX, danh xưng Phủ Lạng Thương không chỉ in dấu ấn trên thương trường Đông Dương mà còn lan tỏa tới nước Pháp và thế giới. Những đoàn xe lửa chở đầy nông, lâm, thổ sản; những chuyến xà lúp ăm ắp quặng từ Thái Nguyên theo hệ thống thủy nông tập kết về Phủ Lạng Thương; các hãng tàu thủy Châu Long, Châu Giang, Lê Hòa vận chuyển khách hàng và thóc gạo của các đồn điền trải khắp trong tỉnh xuôi về Hải Phòng, tỏa khắp biển khơi.
Ngay khi đó, tên tuổi cũng như công nghiệp của một số doanh nhân như Phạm Thành Tính (anh trai Phạm Hồng Thái), Đỗ Thúc Phách, Ngô Tiến Cảnh, Đào Ký, Hoàng Văn Nụ nổi lên như cồn. Sở Tằm tang Phủ Lạng Thương trở thành một trung tâm dâu tằm cho toàn xứ nhờ kế thừa kinh nghiệm nuôi trồng của dân làng Châu Xuyên. Khu Đấu mã, bãi Quần ngựa thu hút nhiều tay đua các tỉnh. Rồi sân bay hạ cánh Hà Vị ra đời.
Không chỉ có thế, giới văn nhân sĩ tử khắp nơi đều ngưỡng mộ hướng về Phủ Lạng Thương bởi ở nơi đó có tiểu thuyết gia Lê Văn Trương; có các thi nhân hương đồng gió nội Bàng Bá Lân, Anh Thơ, có nhà khảo cứu Trịnh Như Tấu; có các cây bút Trịnh Quang Trấn, Trần Minh Tước, Lã Hữu Quỳnh...
Đặc biệt hơn cả, những chiến sĩ cách mạng như Phi Vân, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển, Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Bá Toản; các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng như Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang cũng đều gắn bó mật thiết với Phủ Lạng Thương…
Cả một chặng dài 70 năm (1888-1959) danh xưng Phủ Lạng Thương như là một đô hiệu - thương hiệu và một biểu tượng cho sự tươi mới, trẻ trung, năng động, phát đạt và thịnh vượng của toàn xứ Bắc Kỳ thời còn thuộc Pháp; anh dũng và quả cảm trong 9 năm kháng chiến kiến quốc; sôi động và quyết liệt trong những ngày đầu hòa bình lập lại.
Tôi cho rằng những sự kiện và con người được nêu ra ở trên, chính là luận chứng hoặc nói khác đi, một đô hiệu - thương hiệu cao giá cho việc đề xuất khôi phục danh xưng Phủ Lạng Thương để trong tương lai không xa thành phố lấy lại được danh thơm và vóc dáng của Phủ Lạng Thương xưa.
Chỗ này muốn hỏi thêm ông, Phủ Lý và Phủ Lạng Thương có phải là hiện tượng song trùng từ phủ lỵ chuyển thành tỉnh lỵ?
- Đúng vậy, nhưng đường đi nước bước của hai đơn vị hành chính này có nhiều điểm khác biệt. Từ năm 1624, vùng đất thành phố Phủ Lý ngày nay vốn đã được đặt làm trấn lỵ (tức tỉnh lỵ) của trấn Sơn Nam, mãi đến năm 1831 mới bị hạ cấp thành phủ lỵ phủ Lý Nhân - mà ta quen gọi là Phủ Lý.
Tháng 10/1890, tỉnh Hà Nam được thành lập nhưng phải tới năm 1907, Phủ Lý mới được chọn làm tỉnh lỵ. Trong những năm 1965 - 1975, Hà Nam sáp nhập với Nam Định thành tỉnh Nam Hà, thị xã Phú Lý đổi gọi là thị xã Hà Nam rồi thị trấn Hà Nam - huyện lỵ của huyện Kim Thanh mới lập.
Trong thời kỳ Hà Nam Ninh (1976-1996), thị xã Hà Nam được khôi phục. Tháng 1-1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, thị xã Hà Nam trở về tên gọi thị xã Phủ Lý. Tới năm 2008, thành phố Phủ Lý được công nhận là đô thị loại 3, là thành phố trực thuộc tỉnh, tỉnh lỵ của Hà Nam.
Còn Phủ Lạng vốn là châu lỵ rồi phủ lỵ phủ Lạng Giang từ thời Lý - Trần cho tới lúc thị xã,tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương được thành lập, kéo dài liên tục nhiều thế kỷ, thứ hạng đi lên nhưng danh xưng - địa danh đổi khác.
Nhưng thưa ông, tại sao đến lúc này các nhà nghiên cứu mới đề xuất khôi phục danh xưng Phủ Lạng Thương? Khi đề xuất, ông có lường trước những phiền toái và tốn kém từ việc đổi tên hay không?
- Nếu thời điểm Bắc Giang sáp nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc (1963), tỉnh Bắc Giang được tái lập (1997), thị xã Bắc Giang trở thành thành phố (2005) xuất hiện việc đề xuất thay đổi danh xưng thì sẽ tránh được biết bao phiền toái, tốn kém.
Chúng tôi vô cùng cảm phục tỉnh Hà Nam đã làm được việc trọng đại này ngay khi cơ hội đầu tiên xuất hiện, không ồn ào, không phiền phức và tốn kém thêm cho người dân.
Chúng tôi cũng biết rằng, việc thay đổi danh xưng của một đơn vị hành chính sẽ để lại nhiều hệ lụy về thời gian, công sức và tiền bạc của người dân. Chúng tôi coi đây chỉ là một đề xuất, một gợi mở của người làm công tác nghiên cứu lịch sử với mong muốn một đô hiệu - thương hiệu vô giá như Phủ Lạng Thương cần được cân đo, đong đếm lại giữa lúc cả đất nước đang trong khí thế đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; giữa lúc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đang đi vào cuộc sống.
Chúng tôi cho rằng, những đề xuất này là một gợi mở đầy trách nhiệm, chỉ ra con đường mà TP Bắc Giang cần kế thừa từ những di sản văn hóa do tiền nhân để lại. Và, hơn hết, không phải thành phố nào cũng được quá khứ ban tặng cho một danh xưng - địa danh, một đô hiệu - thương hiệu lừng lẫy, chỉ việc thụ hưởng như Bắc Giang - Phủ Lạng Thương.
Chúng tôi đã chờ mãi và nóng lòng vì bao cơ hội tốt đẹp đã qua mà chẳng ai đề xuất. Chúng tôi đành mạo muội dù lường trước và chắc rằng những đề xuất đó mãi mãi cũng chỉ là đề xuất.
Trân trọng cảm ơn ông!