Câu chuyện nhiều thanh niên đã thoát cảnh ế vợ nhờ một nghị quyết đặc biệt của Đảng bộ xã là có thật ở xã miền núi Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
“Nghị quyết cây quế”
Dài 30 cây số độc đạo từ trung tâm huyện lỵ Yên Lập dẫn về Trung Sơn, xã miền núi sâu xa khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, có tới gần nửa đường liên tục vặn cong tay áo. Càng về phía xã, con đường “đau khổ” như càng nối dài hơn vì lổn ngổn sỏi đá xới lên từ vô số ổ voi, ổ gà.
Trung Sơn hiện ra xanh bạt ngàn toàn quế, mỗi lúc quế như muốn mọc tràn ra ven đường dẫn vào ủy ban xã. Lối rẽ về bản Nai như càng lút sâu vào cơ man rừng quế bao vây.
Mấy mươi năm trước, cán bộ nông nghiệp huyện về Trung Sơn trồng thử nghiệm một đồi quế, phát hiện thổ nhưỡng rất hợp đã khiến huyện Yên Lập có cả kế hoạch dài hơi đối với loại cây này cho sơn cước nghèo phía tây. Nhưng rồi thứ cây có vỏ cay xè chỉ mọc lên đứng đó, rồi nhiều cây chặt bỏ. Xã nghèo có gần 100% đồng bào thiểu số sinh sống, phần lớn là người Mường, vẫn chỉ toàn hộ nghèo. Loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là đưa ra một số cây trồng chủ lực, nhưng nhiều thế hệ lãnh đạo xã vẫn chưa tạo được bước đột phá. Trồng gì, nuôi gì cho cơm ăn áo mặc vẫn khó. Giai làng ế vợ vì nghèo, gái làng thì chán cảnh mà bỏ quê sang xã khác tìm việc rồi lấy chồng xa. Trung Sơn đến khu nào cũng có “làng ế vợ”...
Bỗng một ngày cách đây 8 năm có người từ xa về xã kể chuyện cây quế Văn Yên (Yên Bái) đang làm giàu cho bao người Dao. Ở đó họ xây biệt thự trên núi, sắm ô tô sang, thuê cả người miền xuôi lên làm công nhân chăm quế. Háo hức sau chuyến tham quan ở tỉnh bạn rồi đề xuất nghiêm túc lên huyện, lãnh đạo xã Trung Sơn quyết tâm nâng khát vọng đổi đời cho quê nghèo bằng cả một chiến lược phát triển kinh tế đồi rừng tại Đại hội Đảng bộ xã năm 2015, và đến cuối năm 2021 thì có hẳn Nghị quyết về cây quế làm chủ lực thoát nghèo (Số 57 - NQ/ĐU). Quế phải là thế mạnh của Trung Sơn, quế giải quyết các vấn đề xã hội, quế đảm bảo an ninh quốc phòng, quế tạo việc làm tại chỗ để xóa cảnh ly nông ly hương, quế gắn kết tình làng nghĩa xóm, quế mang lại ấm no, hạnh phúc và đoàn kết...
Chỉ dăm năm trước còn sót lại lèo tèo mấy vườn quế từ thuở cán bộ huyện về trồng thử nghiệm, giờ Trung Sơn đã có cả 2.000ha quế xanh rì. Tất cả gần 1.500 hộ (gần 5.800 nhân khẩu) trong xã đều trồng quế. Quế mọc tập trung, quế quanh vườn nhà, quế lan ra cả mấy xã bên. Trung Sơn đã quyết vượt mục tiêu mở rộng diện tích quế lên 2.600ha chỉ vài năm nữa. Những ngôi nhà tầng mọc lên, nhiều gia đình đã có xe ô tô. Thu nhập bình quân đầu người chỉ từ vài triệu đồng/năm nay đã lên đến 20 triệu đồng. Trung Sơn đột giá giảm nghèo xuống còn 23%.
Giai làng “thoát ế”
“Xây nhà này, sắm xe ga, lấy được vợ là nhờ quế đấy anh” - anh Đinh Văn Nghĩa (29 tuổi) vừa mới lấy vợ, vừa cười tươi lại thoáng chút ngượng ngùng nói chuyện với chúng tôi lúc đứng chụp ảnh trước căn nhà cấp bốn khang trang ở bản Nai. Nhà anh trồng gần 4ha quế, có cả phần hồi môn là một vạt đồi của bố vợ, hai vợ chồng cả ngày say mê chăm quế. Giờ vỏ quế tươi cũng được giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, gọi điện thoại cho thương lái là họ tìm đến tận nhà, năm ngoái gia đình anh thu được vài trăm triệu đồng, năm nay còn bộn hơn. Cả 70 hộ bản Nai trồng quế. Nhà mái gianh cũ đã thay bằng nhà ngói, đường trong bản nhiều đoạn đã làm bê tông hết lầy lội. “Bản bên kia có nhiều nhà hai tầng lắm rồi”, Nghĩa chỉ sang phía đồi gần đó như đang chạm tay đến một ước mơ sắp thành hiện thực của chính mình.
Giai bản Mường chỉ ngoài hai mươi tuổi là lấy vợ, chứ đàn ông hăm bảy trở lên mà đêm vẫn nằm trơ thì làng coi diện ế. “Nghèo thì ế thôi, trước cứ loanh quanh góc đồi, thu nhập gì đâu”, Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Đóa kể lại. Phó Chủ tịch xã Phùng Xuân Liên cười nối chuyện: “Nhưng thanh niên Trung Sơn giờ thoát ế rồi, mấy năm trước có tận 300 ông ế chỏng đấy. Giờ lấy vợ gần hết rồi, sinh con rồi, giờ này trẻ con đi học cả, còn người lớn lên đồi quế hết...”.
Mấy trăm đàn ông Trung Sơn ế vợ ngày ấy đã trở thành câu chuyện... nghiêm trọng. Đến mức cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong xã đã phải bàn bạc nhiều lần. Bà con kiến nghị lên xã kêu lãnh đạo phải nghĩ cách cho đàn ông lấy được vợ.
Một phần do mất cân bằng giới tính từ hàng chục năm trước, thậm chí thống kê của Trạm Y tế xã cho thấy tỷ lệ chênh lệch giới tính các ca sinh những năm 2010 – 2015 vẫn tăng. Nhưng cái nghèo đồng rừng đeo bám bấy nay cũng là một trong những nguyên nhân. Xã miền núi đi lại cực kỳ khó khăn, muốn đi lên trung tâm huyện mất cả ngày đường, bản Mường nuôi con gà, trồng ra củ sắn bán về xuôi cũng khó. Nhà máy giấy ở xa, đường vận chuyển cheo leo, cũng chẳng mặn mà vào tận đây mua gỗ, lại còn ép giá tận cùng.
Sinh năm 1986, từng là một trong những thanh niên đứng trong danh sách “báo động”, anh Đinh Văn Nghị - Trưởng khu bản Đâng, mãi mới lấy được vợ, và cuộc sống gia đình đang dần khấm khá nhờ trồng quế. Trong cái chòi nhỏ trông quế nhìn ra đập hồ Dềnh, mời chúng tôi nhâm nhi mảnh quế tươi, anh nhớ lại chuyện hồi nào 300 thanh niên trong xã mà chỉ có 86 cô gái chưa chồng. “Mình là cán bộ xã mà còn suýt ế vợ, nói chi tới những thanh niên chưa nghề nghiệp trong bản. May mà có quế. Lần lượt anh em yên bề gia thất là nhờ quế đấy”.
Rời quê xuống Hà Nội lúc mới tròn 18 tuổi, anh Đinh Văn Thuận mang theo ước mơ về một công việc chốn thị thành, nhưng chỉ sau một năm anh Thuận quyết định trở về quê cùng bố mẹ trồng và chăm 8ha quế. Sau vài năm, cuộc sống gia đình bắt đầu có của ăn của để anh Thuận quyết định lấy vợ là chị Bàn Thị Điện quê ở xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Chị Điện tự hào khoe: “Cây quế là tất cả. Trung Sơn không còn là nỗi lo ngại của những người có ý định về làm dâu, làm rể nữa rồi”.
Chủ tịch xã Đinh Văn Đóa nhớ lại những ngày đầu thực hiện “Nghị quyết cây quế”. Cán bộ Mặt trận cùng Hội Phụ nữ vào cuộc chung tay với chính quyền vào cuộc. Một loạt giải pháp như hạn chế mất cân bằng giới tính, tuyên truyền vận động người dân đẩy lùi quan niệm “trọng nam hơn nữ”, và đặc biệt “đưa quế lên đồi” cấp tốc thay đổi thâm canh, phủ xanh khắp nơi bằng thứ cây “vàng” được thổ nhưỡng ưu ái. “Nghị quyết cây quế” được thực hiện bằng giải pháp xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, lấy hộ gia đình làm cơ sở, phát triển mạnh các gia trại quế, tận dụng đất đồi vườn để trồng quế, xóa bỏ vườn tạp để chuyên canh quế. Đảng ủy, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực làm đường lên đồi phục vụ trồng quế, thu quế. Vừa lồng ghép các chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng hộ gia đình, vừa linh hoạt tìm giống mới, áp dụng công nghệ chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng cây quế. Thương hiệu quế Trung Sơn đã ra đời, thương lái Bắc Ninh và Yên Bái tìm về các bản Mường ở Trung Sơn. Tất cả đang tạo niềm tin và quyết tâm đưa Trung Sơn trở thành một trong các vùng trọng điểm quế. Hiện ở Trung Sơn có nhiều gia đình thu về hơn 500 triệu đồng/năm, có hộ thu cả tiền tỉ.
Quế Trung Sơn chỉ 4 năm tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch. Giờ những thanh niên đi làm ăn xa đang kéo nhau trở về quê hương chăm quế, ngày rảnh chút thì đi bóc thuê cho những nhà khác. “Giờ chẳng mấy ai muốn ly hương nữa, đổi đời vì quế rồi”, Chủ tịch xã Đinh Văn Đóa chia sẻ với vẻ mặt đầy niềm vui .