Đổi thay trên quê hương Bác Tôn

Quốc Trung - Hà Đặng 14/08/2018 08:30

Về thăm xã Mỹ Hòa Hưng của thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang những ngày tháng 8, vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa của vùng quê nằm giữa dòng sông Hậu, nơi sản sinh ra con người vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, chào mừng Tự hào vùng đất sản sinh ra con người vĩ đại.

Đổi thay trên quê hương Bác Tôn

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Qua phà Ô Môi vượt dòng sông Hậu, đến cù lao Mỹ Hoà Hưng hay còn gọi cù lao Ông Hổ men theo con đường nhựa nối liền giữa các ấp, dạo quanh một vòng quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, để cảm nhận được những đổi thay ở vùng đất cù lao này.

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo tỉnh An Giang chúng tôi đã tìm gặp được người khá đặc biệt - ông Nguyễn Văn Tri (sinh năm 1948), ngụ ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang, người đã gắn bó với quê hương Mỹ Hòa Hưng hơn 70 năm nay.

12 năm ông làm cán bộ lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng, đặc biệt có khoảng thời gian 13 năm gắn bó với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Mặc dù đã về hưu được 8 năm, nhưng cũng chừng ấy thời gian ông Tri bận rộn với công việc thiện nguyện với tâm niệm luôn đóng góp cho quê hương Mỹ Hòa Hưng ngày càng giàu đẹp.

Ông Tri cho biết, Bác Tôn là tấm gương không chỉ bản thân tôi mà tất cả chúng ta phải học tập, noi theo, nhất là đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” thì càng cần phải học Bác Tôn nhiều hơn.

“Qua tìm hiểu về cuộc đời và nhân cách của Bác Tôn, tôi nhận thấy Bác có rất nhiều đức tính, việc làm hết sức cao cả, mang đậm chất Nam Bộ. Một vị Chủ tịch nước lại mặc những chiếc áo sờn vai, sử dụng vali cũ kỹ, mang đôi giày chật khoét rộng, tự sắm đồ nghề sửa xe đạp…trước khi trút hơi thở cuối cùng, bác quyết định trả lại căn nhà ở Trần Phú (Hà Nội) cho Nhà nước, chính vì vậy mà đến lúc mất, nhiều người nói vui bác là người lãnh đạo cấp cao nhưng chẳng có nhà riêng”- ông Tri xúc động bày tỏ.

Học tập theo tấm gương, đạo đức cách mạng của Bác Tôn, từ uy tín của mình, ông Tri đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp tiền, của cải và công sức để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Chỉ tính trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông Tri đã vận động cất mới 5 cây cầu bê tông, làm mới 1 tuyến đường, dặm vá trên 100 mét đường bê tông, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Những công trình này được ông Tri phấn đấu với tâm niệm là món quà đặc biệt của ông dâng tặng cho quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Từ trên cao nhìn xuống cù lao Ông Hổ khi thì giống giọt nước long lanh xanh ngát giữa dòng sông Hậu hiền hoà, khi thì giống ngọn lửa hừng hực khí thế trường tồn với thời gian.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Đỗ Hữu cho biết, Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 3 km. Diện tích tự nhiên là 21,19 km2, với 5.424 hộ và 22.326 nhân khẩu. Xã có 884,9 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa trên 502 ha, đất trồng cây lâu năm trên 269 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 205 ha, chia ra thành 4 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ như làm nhang, đan lát...

Đến cù lao Ông Hổ ngoài được nghe câu chuyện về những tấm gương thiện nguyện, những tấm gương làm ăn kinh tế giỏi cho thu nhập cả tỷ đồng/năm, chúng tôi thấy được vùng đất giàu tiềm năng du lịch khi lạc chân vào xóm nhỏ cặp rạch Cái Mơn với những ngôi nhà cổ, vườn hoa cảnh xanh mướt, đây còn là làng du lịch “homestay” đầu tiên của An Giang.

Cuối năm 2015, Mỹ Hòa Hưng đạt chuẩn Nông thôn mới. Xã cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng vùng trồng rau an toàn tại ấp Mỹ An 2 với tổng diện tích 15 ha. Cùng với đó còn có nhiều mô hình kinh doanh mang lại nguồn thu nhập khá cao như Hợp tác xã rau an toàn công nghệ cao, làng du lịch cộng đồng- “homestay”, khu nhà vườn sinh thái...góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân trong xã ngày càng cao. Năm 2017 tổng giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp ở xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt trên 147 triệu đồng, góp phần kéo giảm tỷ lệ nghèo trong xã xuống còn mức 1%...

Chia sẻ với chúng tôi về quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang cho biết, với quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, phát huy truyền thống anh hùng; noi gương Bác Tôn, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh An Giang đã nỗ lực phấn đấu, đưa tỉnh nhà không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

“Luôn đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết của tỉnh, Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trước mắt noi gương Bác Tôn, các ngành, các cấp trong tỉnh nỗ lực tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo tốt đời sống nhân dân. Tiếp tục thực hiện các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, không chỉ trước, trong mà cả sau khi chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng An Giang - quê hương Bác Tôn ngày thêm giàu đẹp” - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay trên quê hương Bác Tôn