Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH; phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo quan hệ lao động năm 2017.
Quan hệ lao động vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 1995 đến năm 2017, trong 23 năm đã xảy ra khoảng 8.000 cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công. Tập trung chủ yếu từ năm 2006 đến nay, bình quân khoảng 600 cuộc/năm. Tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không theo quy định của pháp luật, gây hậu quả không đến nhỏ đến người sử dụng lao động, người lao động cũng như môi trường đầu tư chung.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhìn vào tổng thể quan hệ lao động (QHLĐ) có bước tiến, hệ thống pháp luật lao động có tiến bộ, đã nghiên cứu các công ước quốc tế để luật hóa, học được kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước để đưa vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Cùng với đó nhận thức về QHLĐ của các bên được nâng lên. Tuy nhiên phải thừa nhận là QHLĐ hiện nay vẫn chưa hài hòa, biểu hiện rõ nhất là bình quân mỗi năm vẫn có tới 300 đến 400 cuộc đình công xảy ra.
Đánh giá những thách thức về quan hệ lao động trong thời gian tới, dự thảo báo cáo quan hệ lao động năm 2017 của Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra rằng, nguy cơ mất việc làm của người lao động ngày càng cao do cách mạng công nghệ 4.0. Xu hướng lao động làm việc không trọn ngày, không trọn tháng sẽ gia tăng. Trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thì người sử dụng lao động chiếm ưu thế hơn.
Theo đánh giá của các đại biểu việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính sách trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng và cần thiết, vì trước đây các chính sách đều do Nhà nước ban hành cụ thể, doanh nghiệp chỉ áp dụng nhưng hiện nay Nhà nước chỉ quy định sàn hoặc trần còn lại quy định cụ thể do doanh nghiệp xây dựng quyết định trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên việc đối thoại, thương lượng còn nhiều bất cập. Do đó cần phải nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng cho các bên đồng thời Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ khi năng lực thương lượng, đối thoại giữa hai bên còn yếu.