Đặt tại Trường Chính sách công SPEA (School of Public and Environmental Affairs), Đại học Indiana Bloomington, Sáng kiến Việt Nam là một tổ chức hàn lâm độc lập, phi chính phủ, phi chính trị với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Sáng kiến Việt Nam có mạng lưới các chuyên gia, học giả đến từ trên 40 trường đại học lớn, các công ty luật, các tổ chức quốc tế ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới; đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển Việt Nam và tổ chức thành công một số chương trình lớn để giảng dạy và đào tạo cho đội ngũ các cán bộ, công chức Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại
Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam”.
Trong mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, người ta thấy nổi lên nhiều tên của các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam hiện đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn của thế giới cả trong và ngoài nước.
Và chiều ngày 13/12 đã có một Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Năm 2015, Nhóm Sáng kiến Việt Nam cũng đã từng phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức một hội thảo nhằm hiến kế cho Chính phủ trong các vấn đề vĩ mô và vi mô.
Giống như Hội thảo năm 2015, Bàn tròn năm 2016 đã được giới chuyên gia đánh giá cao bởi: Nó thể hiện sự lắng nghe, trân trọng của Chính phủ Việt Nam trước những đóng góp của các chuyên gia. Điều ấy cần, thậm chí rất cần với một quốc gia đang phát triển như chúng ta.
Trong điều kiện hiện nay khi kinh tế đất nước còn có khó khăn nhất định và trong bối cảnh Chính phủ khóa mới đang bắt đầu những chương trình hành động mới cho kế hoạch 5 năm mà ĐH Đảng XII đã đề ra thì việc lắng nghe ý kiến của chuyên gia góp ý cho chính con đường đi lên, con đường phát triển của đất nước là rất đáng trân quý.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Nhóm Sáng kiến Việt Nam với mạng lưới các chuyên gia, học giả toàn cầu đã quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và mong muốn các chuyên gia hàng đầu tham mưu cho Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tri thức là nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước. Đảng và Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích các chuyên giả, học giả, trong đó có tri thức nước ngoài với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Ngay tại bàn tròn 3 chủ đề đã được đưa ra. Chọn 3 chủ đề này chứ không ham nhiều đã cho thấy những nhà tổ chức và cả vị chủ trì Hội nghị là Thủ tướng Chính phủ đang hướng đến những quá trình cụ thể giúp cho mục tiêu hướng đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa của chúng ta rõ ràng hơn.
Đó là chuyện, định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; là chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; là phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển.
Đây cũng là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Giáo sư Ricardo Hausmann (Đại học Harvard, Mỹ) nói về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia.
Cái hay ở chỗ mô hình này không chỉ đánh giá theo ngành, hàng mà còn giúp đánh giá lợi thế theo vùng miền, địa phương, từ đó đóng góp “kiến thức” đầu vào cho quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng, miền hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Điều mà lâu nay ở Việt Nam trong nhiều hội thảo chúng ta vẫn hay nói, “mạnh địa phương nào, địa phương đó làm”.
Nói về chính sách công nghiệp hóa, Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), trong tham luận của mình về chính sách công nghiệp hoá của Việt Nam cho giai đoạn mới đã nhấn mạnh Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng vừa đi vào chiều sâu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.
Còn Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ) thì lại chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại.
Những điểm nghẽn này rõ ràng đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững cần phải được phá bỏ. Phó Giáo sư khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.
Lắng nghe các chuyên gia đầu ngành, Thủ tướng sau đó cũng đã chia sẻ quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; coi đó là tôn chỉ hành động của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua.
Thực tiễn 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và phát triển, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nhưng, bên cạnh thành tựu chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận quá trình phát triển đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu điểm, với việc xuất hiện các điểm nghẽn tăng trưởng.
Cuộc hội nghị bàn tròn lần này là thêm một lần nữa, Chính phủ “lắng nghe”, lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất hơn. Rồi đây, những ý kiến tại các hội nghị khác nhau và tại Bàn tròn sẽ được các Bộ, ngành tham khảo và nghiên cứu.
Một kênh đối thoại và lắng nghe quan trọng như thế; nhất là kênh đối thoại ấy gồm những người bạn của Việt Nam và những người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài muốn trở về giúp quê hương sẽ được duy trì trở thành kênh đối thoại thường niên giữa trí thức quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài với Chính phủ để cùng chung tay xây dựng đất nước.
Chắc rằng, đây cũng sẽ là một kênh hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phá bỏ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai.