“Yêu nước phải làm mọi việc mình cần làm để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, để sáng suốt lựa chọn người thay mặt mình lãnh đạo đất nước ngày một phát triển”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với cử tri tuổi 18.
Đó là những nhắn gửi của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia tới các bạn trẻ tham dự chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội” do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội.
Cùng dự buổi đối thoại có Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS HCM Nguyễn Đắc Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương.
Các đại biểu tham dự chương trình.
“Đóng dấu” trưởng thành bằng những việc làm “đã lớn”
Mở màn chương trình đối thoại, bạn Minh Đức gửi tới các đại biểu khách mời, câu hỏi: Vai trò của thanh niên trong công tác bầu cử hiện nay?
Trả lời câu hỏi này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: Bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là ngày hội lớn của đất nước, dân tộc. Tuổi trẻ cả nước hiện chiến 24,8% dân số. Trong số đó có 12% đi bầu là thanh niên. Nếu ai mất 12% số phiếu này thì rất có thể từ đậu thành rớt. Các bạn hãy hiểu mỗi lá phiếu của tuổi trẻ góp phần rất quan trọng trong việc quyết định chất lượng của việc bầu cử, lựa chọn người đó có xứng đáng là đại biểu quốc hội hay không.
Các bạn làm gì cho cuộc bầu cử này? Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hỏi các bạn trẻ: Các bạn có yêu nước không?
“Yêu nước phải làm mọi việc mình cần làm để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, để sáng suốt lựa chọn người thay mặt mình lãnh đạo đất nước ngày một phát triển. Các bạn trẻ cũng có thể tham gia cùng Ủy ban bầu cử địa phương tham gia vào ban kiểm phiếu, bảo đảm trật tự, tuyên truyền cho cuộc bầu cử” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.
Bạn trẻ Vân Anh (quận Hai Bà Trưng) gửi tới nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng câu hỏi: Trong gia đình, có thể có người nhà đại diện đi bầu được không?
Ông Nguyễn Sỹ Dũng trả lời với các bạn thanh niên: Có những việc đại diện được có những việc không đại diện được. Khi ở tuổi 18, chúng ta đã trưởng thành và được phép lựa chọn nhiều quyết định của mình, như mình đi chọn người yêu, chọn ngành nghề… Trong số các bạn ngồi đây, có người nào muốn cử đại diện cho mình đi chọn những công việc đó?
Đừng từ bỏ cơ hội làm chủ nhân quyền lực chính trị của mình. Cử tri là người nắm trong tay quyền lực chính trị của đất nước. Hãy trực tiếp cầm phiếu đi bầu .
Một học sinh đặt câu hỏi cho các đại biểu.
“Bầu cho ai hãy nhớ người đó là người chịu trách nhiệm trước các bạn, phải tiếp các bạn, lắng nghe các bạn. Đó là ý nghĩa và lợi ích của mình trực tiếp đi bầu. Nếu chúng ta đi bầu thay, có đơn kiện tụng, công cuộc bầu cử sẽ phức tạp mất rất nhiều thời gian, công sức chi phí, tổn hại về kinh tế”, ông Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.
Tiến sĩ Đoàn Hương khẳng định đây là cuộc đối thoại vô cùng dân chủ và sẽ mang những tư duy mới đến với các bạn trẻ.Các bạn sẽ cầm những lá phiếu nhưng tương lai các bạn sẽ là thủ lĩnh của quốc gia. Các bạn lớn rồi phải nhận lấy trách nhiệm của mình trước quốc gia, dân tộc. Cầm lá phiếu rất là vinh dự và đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người. Tự mỗi người hãy “đóng dấu” trưởng thành cho mình bằng những việc làm “đã lớn” để cống hiến và đóng góp cho xã hội. Thanh niên đừng ngại gian khó, để tự thân rèn luyện.
“Thanh niên không được “trẻ và bé quá lâu”, sống có mục đích, có sức khỏe. “Con tàu đi trên đại dương không có la bàn sẽ va vào đá ngầm”. Lý tưởng và mục đích ấy bắt đầu từ những hành động thiết thực, làm gì cũng đặt vào mục đích lớn lao cho dân tộc, đất nước mình, như hiểu việc đi bầu cử, cầm lá phiếu bầu với nghĩ suy đó chính là máu xương của dân tộc. Đi bầu cử như hành động lý tưởng tốt đẹp với nước, với dân.”, Tiến sĩ Đoàn Hương nhắn nhủ các bạn trẻ.
Đảm bảo công bằng, minh bạch trong vận động bầu cử
Trả lời câu hỏi của bạn Thu Trà (quận Đống Đa) về vận động bầu cử, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch để lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất, nhưng người ứng cử chỉ được làm một số việc mà luật pháp quy định và không được làm một số việc luật pháp không cho phép. Người ứng cử trong quá trình vận động bầu cử không được phép tặng quà, tặng tiền và hứa hẹn để lấy phiếu cử tri. Luật pháp cấm điều đấy.
Việc vận động bầu cử là rất quan trọng. Thứ nhất tổ chức cho những người ứng cử được gặp đại diện cử tri. Qua cuộc gặp để cử tri được biết người ứng cử, và biết tại sao anh lại muốn làm ĐBQH. Cuộc gặp đó mà không gửi được thông điệp là tại sao muốn làm ĐBQH thì cử tri sẽ không bầu. Người ứng cử cũng trình bày chương trình hành động của mình để cử tri được biết, và nghe cử tri nói để biết cử tri gửi gắm gì vào mình để có cách trả lời cử tri với yêu cầu nguyện vọng của họ sẽ làm thế nào?
Tất cả những người trong danh sách đều có quyền như nhau cùng gặp cử tri một lúc. Việc tuyên truyền qua báo chí địa phương nơi ứng của các người ứng cử là như nhau. Còn ở cấp quốc gia là trang thông tin về bầu cử Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trả lời câu hỏi của bạn Quốc Anh về những hoạt động của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên đối với bầu cử Quốc hội, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cách đây 5 năm Trung ương Đoàn đã khởi động chương trình Khi tôi 18 hướng tới cung cấp cho học sinh khi bước vào tuổi công dân các kiến thức cần thiết ngoài kiến thức phổ thông là kiến thức về pháp luật, kỹ năng hướng nghiệp. Phần quan trọng nhất bước vào tuổi công dân là được cầm trên tay lá phiếu được bầu cử.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ mong muốn 400 bạn trẻ có mặt hôm nay, về trường, về khu dân cư mang những kiến thức hiểu biết tuyên truyền tiếp ý nghĩa khi về cuộc bầu cử về trách nhiệm công dân. Quan trọng nhất là cử tri trẻ nhận thức như thế nào về người đại diện cho mình, lựa chọn trong những người trẻ những người ưu tú nhất để đại diện cho mình, thay mặt mình lãnh đạo đất nước.
Một học sinh đặt câu hỏi cho các đại biểu.
Thanh niên cần vun đắp tinh thần tự lập
Bạn Nguyễn Quỳnh Thơ (Thanh Xuân) gửi tới Chủ tich Nguyễn Thiện Nhân câu hỏi khi hàng loạt các vấn đề đang được giới trẻ quan tâm như: Giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm. Vấn đề trong bôi trơn sổ đỏ, lừa đảo trong các công ty đa cấp. Bác suy nghĩ như thế nào?
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có một số vấn đề bức xúc của dân nói nhiều, nói lâu không khắc phục được, đó là tình hình căng thẳng ở biển Đông, tình hình tham nhũng không giảm, vấn đề đạo đức xuống cấp, vấn đề thực phẩm không an toàn.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chúng ta cần phải tạo chuyển biến để người Việt Nam không tiếp tục đầu độc người Việt Nam vì thế hệ hôm nay và cả tương lai. MTTQ hiện đang xây dựng đề án phối hợp cùng chính phủ thực hiện đề án hướng tới việc vận động, giám sát đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm trong 5 năm tới.
Hai nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long tham dự chương trình.
Gần 12 h trưa nhưng Hội trường nhà văn hóa học sinh sinh viên vẫn nóng lên khi Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hỏi: Chúng tôi rất muốn các bạn tuổi 18, cho chúng tôi biết, đất nước Việt Nam có tương lai không? Tại sao?
Ban Nguyễn Thế Anh (THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Việt Nam sẽ có tương lai tươi sáng bởi chúng ta đang là đất nước phát triển về kinh tế, có sức mạnh trí tuệ.
Bạn trẻ Vũ Minh Đức (THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình) cũng cho rằng, tất cả các bạn thanh niên ngồi đây đều thấy, đất nước Việt Nam chắc chắn có tương lai. Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần đoàn kết, đã được khẳng định trong lịch sử với công cuộc dựng nước và giữ nước.
Hội trường nhận những tràng vỗ tay không ngớt khi bạn Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 10, THPT Nhân Chính) đưa ra những phản biện: Có nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, môi trường đào tạo và rèn luyện học sinh chưa tốt khi học tập tại Việt Nam. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi các bạn du học sinh không trở về nước cống hiến.
TS Đoàn Hương.
Chia sẻ những vấn đề này, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: Không có đất nước nào trên thế giới mà tất cả sinh viên học đại học ra đều có việc làm. Đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là kĩ năng, trải nghiệm. Theo TS Đoàn Hương: Thanh niên hãy vun đắp tinh thần tự lập “Biết cứu mình, trước khi chờ người khác cứu mình”.
Qua gần 4 giờ, chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội” đã khẳng định đây là chương trình có ý nghĩa, tuyên truyền sâu rộng giúp thanh niên, đặc biệt là thanh niên là cử tri lần đầu đi bầu cử hiểu tầm quan trọng của cuộc bầu cử, ủng hộ nhiệt tình và tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.
Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực
Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải, "Chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội” sẽ mở màn cho chuỗi các chương trình đối thoại chính sách thanh niên khác mà thời gian tới Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức ở các tỉnh, thành phố khác trong phạm vi cả nước”.
Một số hình ảnh tại chương trình: