Nằm trong khuôn khổ “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam”, ngày 7/11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức hội thảo “Vai trò của không gian văn hóa và sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng.
Tốc độ đô thị hóa và bùng nổ của thành phần dân số trẻ ở Việt Nam là điều dễ nhận thấy. Đi cùng với thực tế này là một nền kinh tế sáng tạo bắt đầu phát triển từ những khu vực đô thị hóa nhất của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chiến lược Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã mở ra một triển vọng đầy hứng khởi để phát triển và tăng trưởng cho nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, nếu năm 2014 Việt Nam chỉ có 40 không gian văn hóa sáng tạo thì hiện nay đã có hơn 140 không gian. Trong đó, nhiều không gian văn hóa và sáng tạo, tổ chức doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật đã và đang là những yếu tố chủ chốt trong nền công nghiệp này.
Tuy nhiên, có một thực tế các không gian văn hóa và sáng tạo đều kinh doanh tư nhân. Vì các không gian này còn mới nên hệ thống pháp luật hiện hành chưa coi không gian sáng tạo là một mô hình kinh doanh đặc thù. Trong đó, các không gian sáng tạo đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hoặc hộ gia đình. Hệ thống hiện thời này tạo ra không ít thách thức cho các không gian sáng tạo, trong đó có cả trách nhiệm về thuế. Nhiều không gian sáng tạo định hướng phát triển cộng đồng chứ không hoạt động vì lợi nhuận, chính vì vậy các giá trị sản phẩm mang lại không phải lúc nào có thể đo đếm được. Thậm chí một vài không gian chỉ dựa vào nguồn vốn riêng chứ không có thu nhập, nhưng họ vẫn phải đóng thuế.
Nhận định về vấn đề này, theo TS Bùi Hoài Sơn - Giám đốc Viện Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Giữa các chủ không gian sáng tạo về vấn đề này khá đa dạng. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều chủ không gian đang gặp khó khăn trong vấn đề cấp phép. Thậm chí là còn được coi là vấn đề nhạy cảm”.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay các không gian văn hóa vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên không có một tư cách pháp nhân cụ thể cho nào cho các không gian này. Chính vì thế các không gian cố gắng tự duy trì khi theo đuổi các mục tiêu cộng đồng sáng tạo của mình. Thậm chí họ còn phải đóng nhiều vai mà đây không phải là với việc dễ dàng. “Nhiều chủ không gian họ sẵn sàng muốn đối thoại trực tiếp và cởi mở với những nhà hoạt định chính sách. Họ tin rằng chỉ có đối thoại trực tiếp thì hai bên mới có thể hiểu được nhau và thiết lập chính sách thực tế và công bằng” - ông Sơn chia sẻ.
Ông Bruno Angelet - Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa mới nổi thông qua việc phê chuẩn Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, Đại sứ EU cũng góp ý, Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển các không gian văn hóa sáng tạo bên trong các thành phố. Thông qua đó, giúp người dân có đủ không gian và tự do để sáng tạo cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam. Mạng lưới không gian văn hóa và sáng tạo đang dần lớn mạnh ở Việt Nam cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo, giúp họ xây dựng một môi trường sống động, lành mạnh, nơi mọi người có thể tiếp cận và tận hưởng đời sống văn hóa. “Việc chứng kiến sự xuất hiện của một hệ sinh thái các không gian cũng đã đóng góp những không gian này cho sự đa dạng của biểu hiện văn hóa trong nước đã trở thành một hành trình vô cùng thú vị” - Đại sứ EU nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trình bày và thảo luận về các nội dung: Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bản đồ ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam và vai trò của các không gian sáng tạo trong nền công nghiệp sáng tạo; hợp tác công tư trong nền công nghiệp sáng tạo…