Trong khi xã hội còn không ít con người thiếu tự trọng, nhân cách lệch lạc, chỉ lo vinh thân phì gia, thì vẫn còn những tấm gương sáng, đáng kính phục, nể trọng như vợ chồng anh Tuấn, chị Giàu.
Hành động trả lại 6 cây vàng và hơn 17 triệu đồng cho khổ chủ của vợ chồng anh Nguyễn Minh Tuấn và chị Lê Ngọc Giàu (huyện Hóc Môn, TP HCM) không chỉ mang đến niềm vui cho người phụ nữ đánh rơi tài sản, mà còn khiến dư luận xã hội hết sức cảm phục.
Nhiều người đặt câu hỏi, cả hai vợ chồng anh Tuấn và chị Giàu đều làm công nhân thu gom rác, cuộc sống chưa lấy gì làm sung túc, tại sao lại có thể vui vẻ trả lại số tài sản lớn như vậy? Chẳng có gì lạ cả, đơn giản trong xã hội vẫn còn rất nhiều những tấm lòng cao cả.
Đừng bao giờ đồng nghĩa việc nghèo đi đôi với hèn. Không phải bao giờ bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Xã hội hiện đại ngày nay có thể hơi xô bồ, cuộc sống có thể gấp gáp, thực dụng hơn trước, nhưng điều đó không có nghĩa không còn những con người có tấm lòng lương thiện, chân chính, không tham sân si tài vật.
Với những người như vậy, họ có thể ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng tình người và liêm sỉ luôn ngự trị trong tâm hồn. Với những con người có nhân cách cao thượng, làm sao họ có thể tham lam tài sản của người khác?
Và vợ chồng anh Tuấn, chị Giàu chính là những người tâm sáng, lòng trong như vậy. Với anh chị, ngày mai có thể thiếu tiền đóng học phí cho con, có thể chưa xoay đâu ra tiền trả hóa đơn điện nước. Song, không phải vì vậy mà có thể tham lam, ỉm đi số tài sản mà người khác phải vất vả chắt bóp một đời mới có được.
Đó chính là lý do để anh Tuấn, chị Giàu đưa ra quyết định trả lại tài sản cho người đã mất. Thử hỏi, trong xã hội ngày nay, mấy người có thể vô vi, không bị mờ mắt bởi số tài sản đó?
Chẳng phải trong những ngày cả nước oằn mình chống đại dịch Covid-19, một số cá nhân, tổ chức hảo tâm làm thiện nguyện phát suất ăn miễn phí cho người nghèo, có rất nhiều nam thanh nữ tú đi ô tô, xe tay ga đắt tiền đến vơ vét tranh cướp với những người khốn khó đó sao?
Thay vì cùng xã hội giang rộng vòng tay, móc hầu bao làm thiện nguyện, nhiều người giàu còn đi tranh cướp suất ăn miễn phí của những người thậm chí đang lâm vào hoàn cảnh cùng quẫn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn cười không ngậm được miệng bởi hình ảnh hết sức hài hước về một phụ nữ đi xe máy SH đến cây “ATM gạo” bấm mãi mà gạo không chảy ra. Ở những nơi phát đồ ăn, thực phẩm miễn phí cho người nghèo thì những người giàu vô liêm sỉ này còn có thể tranh cướp, vơ vét, nhưng với “ATM gạo” thì điều đó không thể xảy ra.
Đơn giản là người phát minh ra “ATM gạo” đã lắp “mắt thần” để phân biệt ai là người thực sự cần đến sự trợ giúp, còn ai đang lợi dụng lòng tốt để trục lợi cho bản thân.
Các cụ xưa vẫn nói: Đói cho sạch, rách cho thơm! Đáng tiếc là có khá nhiều người ngày nay không hiểu được câu nói ấy. Họ sẵn sàng vì sự ích kỷ của bản thân, gia đình, chà đạp lên cuộc sống của người khác, nhất là người yếu thế.
Vì miếng ăn miễn phí, không ít người giàu sẵn sàng cướp đi cơ hội nhỏ bé của vô số người nghèo, người vô gia cư không nơi nương tựa. Song, đi đâu họ cũng vác mặt lên với đời, hãnh tiến vì mặc đồ hàng hiệu, đi xe sang đắt tiền. Miếng ăn là miếng nhục, liệu họ có hiểu đạo lý này không?
Tất nhiên, tôi không có ý định so sánh nhân cách cao thượng của vợ chồng anh Tuấn, chị Giàu với sự vô liêm sỉ của những người tự vỗ ngực giàu có nhưng đi cướp miếng ăn của người nghèo. Song, đưa ra các dẫn chứng trên để thấy, trong khi xã hội xuất hiện không ít những con người thiếu tự trọng, nhân cách lệch lạc, chỉ lo vinh thân phì gia, thì vẫn còn đó những tấm gương sáng, đáng kính phục, nể trọng như vợ chồng anh Tuấn, chị Giàu. Và xã hội cần phải ngợi ca để nhân rộng lên những hình ảnh đẹp đó.