Đời vàng...

Dương Thanh Tùng 19/04/2020 08:00

Dịch bệnh, không ai muốn ra đường nhưng lời khẩn nài của người đàn bà gốc gác Thái Nguyên,từng quăng quật khắp các bãi vàng ở Trường Sơn, buộc tôi rời Đà Nẵng, băm bổ hơn 500 cây số xuyên đêm theo đường Hồ Chí Minh đến thị tứ heo hút Tà Rụt của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Qua điện thoại, người đàn bà nói với tôi rằng đã có tin tức về nơi bỏ xác của chồng mình là Chín“Ca Mơ Run”-người tìm vàng khét tiếng và cũng là tay anh chị chặt chém dọc ngang ở vùng rừng núi có vàng. Nơi Chín “Ca Mơ Run”vùi xác là bãi vàng A Vao, cách Tà Rụt chừng 15 cây số.

Đời vàng...

Đồi Apey B, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) bị đào xới để tìm vàng. Ảnh: Dương Thanh Tùng.

Dân tìm vàng trên dãy Trường Sơn có 3 nơi để nhớ là Tà Rụt của Quảng Trị, A Lưới của Thừa Thiên-Huế và Khâm Đức của Quảng Nam. Đây cũng là 3 địa danh lưu dấu ấn tên tuổi của các đại gia vàng và cả các tay anh chị sống nay chết mai.

17 năm trước, ngày 14/11/2003, cả thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chấn động vì 19 phu vàng làm cho Công ty Trường Sơn của đại gia có tên gọi Quyền “Ê Đê”, bị lũ bùn vùi lấp. Thi thể 19 phu vàng đưa từ bãi vàng xã Phước Thành ra, nằm xếp lớp trên nền bê tông của sân bay dã chiến bỏ hoang. Quyền “Ê Đê” không xuất đầu lộ diện ở thời khắc vô cùng bất lợi cho doanh nghiệp vàng. Hậu sự cho 19 phu vàng xấu số chủ yếu do đám đàn em thân tín đứng ra lo liệu. Ngoài 19 chiếc xe Zil 157, 2 cầu trần trụi đưa 19 quan tài với đủ hương hoa, bánh trái về Bắc, mỗi gia đình phu vàng được được doanh nghiệp Quyền“Ê Đê”trao tận tay khoản phúng điếu nhiều đến mức phải ngỡ ngàng

Tôi gặp Chín “Ca Mơ Run” khi vừa rời sân bay bỏ hoang đầy tử khí. Chai rượu trong veo do Chín “Ca Mơ Run” đưa từ quê vào, tạm vơi đi ám ảnh về 19 phu vàng vùi thây nơi núi cao rừng lạnh và cũng đủ để Chín“Ca Mơ Run”cởi mở về tháng ngày phiêu bạt từ Phổ Yên, Thái Nguyên vào các bãi vàng dọc Trường Sơn. Dân Thái Nguyên có sở trường tăm, tìm ngọn suối, con sông có vàng. Gần như mọi điểm vàng từ Quảng Trị đến Quảng Nam đều được phát hiện bởi người Thái Nguyên.

Sau mấy năm vào ra 2 bãi vàng lớn ở Khâm Đức là Phước Thành và Phước Kim, Chín“CaMơRun” quyết định đưa vợ con từ Thái Nguyên vào, làm nhà, dựng trại dưới chân đèo Lò Xo, giáp nằm giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Thành bạn bè, cuộc rượu nào tôi cũng chứng kiến tay anh chị chỉ tay lên xà nhà thề độc nếu trời thương cho được vài cân vàng, sẽ xây cái khách sạn lớn ở lưng chừng đèo, giã từ đời tìm vàng đen bạc. Mấy năm sau, quay lại con đèo, tôi ghé nhà Chín“Ca Mơ Run”. Căn nhà trống trơn, gió lùa thông thốc, phơ phất trên xà nhà dải khăn tang đã ngả màu. Hàng xóm kể rằng Chín“Ca Mơ Run” trúng được vài cân vàng như mơ ước, làm bò, mổ dê, chở rượu bia bằng xe tải từ Tam Kỳ lên, đãi hàng trăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh suốt một tuần. Tưởng Chín Ca Mơ Run giữ lời thề độc nhưng như con nghiện đói thuốc, tay anh chị vẫn lăn xả vào các bãi vàng rồi bỏ xác đâu đó trên dãy Trường Sơn!

Không tìm thấy dấu tích gì của Chín “Ca Mơ Run” ở bãi vàng A Vao, Đakrông, mặc cho người đàn bà tràn nước mắt khóc chồng, tôi đứng nhìn các miệng hầm hun hút, không khỏi lạnh người trước thân phận, mưu sinh của không biết bao nhiêu phu vàng, ở nơi mà sự sống và cái chết cách nhau gang tấc.

Đời vàng... - 1

Một miệng hầm sâu trong lòng núi ở bãi vàng khe Pa Ka, xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Dương Thanh Tùng.

Cách đây mấy năm, trong vai một nậu vàng từ nơi khác đến, tôi cắt rừng vào bãi Pa Ka. Bãi này nằm cạnh thôn Tân Đi 3 và cách trung tâm hành chính xã A Vao khoảng 30 phút đi xe máy cộng thêm gần 2 giờ đi bộ. Người lạ nếu di chuyển trên con đường này sẽ bị các đối tượng cảnh giới phát hiện, thông báo cho nậu vàng đang trực tiếp điều hành khai thác. Từ con suối có màu nước vàng khè trông lên, gặp ngay dãy lán trại lưng chừng núi. Các lán trại cùng máy móc sàng, tuyển đất đá nổ vang rừng là điểm khởi đầu của một khu khai thác vàng trái phép trên diện tích rộng khoảng 2 ha. Dọc các lối mòn chênh vênh, có tổng cộng 10 vị trí khai thác cùng với máy móc, thiết bị và rất nhiều nhân lực đang đào khoét núi thành miệng hầm sâu hút. Chỉ cần sơ xuất nhỏ, các miệng hầm như vô tận trong lòng núi, sẽ là nơi chôn vùi những người được chủ bãi thuê với khoản tiền công rẻ mạt mỗi ngày.

Khoảng 30 phút lại có chiếc xe cút kít chở đất đá do một đứa trẻ đẩy ra, đổ vào cỗ máy sàng tuyển. Đất đá sau khi được xay rửa, ào ạt tuôn xuống chân núi, hòa vào các con suối khiến màu nước chỗ thì vàng như nghệ, chỗ thì xanh lét màu hóa chất. Những đứa trẻ chỉ khoảng 13 đến 16 tuổi, được thuê đánh đổi sinh mạng của mình lấy vàng cho ông chủ giấu mặt, như những cái bóng, lầm lũi biến vào lòng núi rồi lại lầm lũi quay ra cùng chiếc xe cút kít chở đầy đất đá. Thử chui khoảng 10 mét vào hầm, tôi phải vội vã quay ra vì thiếu không khí trong khi những thiếu niên được thuê thì phải chui sâu đến hàng trăm mét. Sau mỗi đợt truy quét, bãi vàng trái phép Pa Ka tạm lắng, rồi lại lại rộ lên với lực lượng lao động có lúc lên đến hàng trăm người. Lãnh đạo xã A Vao nói rằng, vàng tặc như con ma, đuổi nó thì nó đi nhưng vài ngày sau quay lại. Năm nào chính quyền xã A Vao cùng các ban, ngành cũng phối hợp tổ chức hàng chục cuộc truy quét tốn kém mà không đạt được kết quả như mong muốn. Ở thời điểm ấy, 2 đồn biên phòng án ngữ tuyến độc đạo vào các bãi vàng A Vao là Sa Trầm và Pa Lin bị phê bình vì lơ là trách nhiệm.

*

* *

Còn nước còn tát, tôi đưa người đàn bà mòn mỏi tìm xương cốt chồng, xuôi vào các bãi vàng ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Gần 10 năm, sau khi Công ty cổ phần khoáng sản Đông Trường Sơn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò trữ lượng vàng gốc rồi sau đó lặng lẽ rời đi, khu đồi APey B của xã Hồng Thủy vẫn hoang tàn như chiến địa với vô vàn hố hục, hào rãnh. Dòng suối La Leng chảy qua thôn 4 và thôn 5 xã Hồng Thủy lơ lửng hóa chất phân kim làm lở loét chân trâu bò. Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từng công bố Kết luận thanh tra về những sai phạm của Công ty cổ phần khoáng sản Đông Trường Sơn.

Một trong số hàng loạt sai phạm được nêu ra tại Kết luận thanh tra là Công ty cổ phần khoáng sản Đông Trường Sơn không lập cam kết bảo vệ môi trường khi thăm dò; đào xới bề mặt và san một phần đồi có diện tích 5 ha không đúng đề án thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai. Doanh nghiệp cao chạy xa bay để lại hậu quả hết sức nặng nề về môi trường cho huyện miền núi A Lưới đang còn nhiều khó khăn. Địa phương không có kinh phí hoàn thổ, đồi Apey B biến thành bãi vàng thổ phỉ, thu hút người khắp nơi đến đào, đãi trái phép.

Đời vàng... - 2

Trẻ em được thuê làm việc tại bãi vàng A Vao. Ảnh: Dương Thanh Tùng.

Một số người kể rằng cuộc sống của đại gia từng dốc vốn liếng vào đồi Apey B đang rất bi đát. Bi kịch, nhân quả luôn hiện hữu sau giấc mộng vàng nơi rừng sâu núi thẳm.

Phận người như Chín “Ca Mơ Run” trúng vài cân vàng rồi bỏ xác đâu đó ở núi rừng Trường Sơn không phải là hiếm. Dọc triền rừng, ngọn suối, chỗ thì có vài chân hương cắm vội, chỗ thì điếu thuốc hay ổ bánh mỳ, làm dấu nơi bỏ xác của phu vàng. Chỉ một trận mưa, sẽ không ai còn nhận ra nơi những kẻ nuôi giấc mộng vàng qua đời vì sốt rét, kiệt sức, thanh toán lẫn nhau hay bị đất đá chôn vùi.

Phu vàng chết, bụng còn có mỳ tôm còn đại gia vàng như Quyền “Ê Đê” giã biệt cuộc đời chỉ 2 bàn tay trắng. Quyền “Ê Đê” khuất núi đã lâu nhưng dân thị trấn Khâm Đức khó quên hình ảnh ngày nọ nối ngày kia, vàng của Quyền “Ê Đê” được chở bằng bao tải từ rừng ra và mỗi cuộc ăn chơi của đại gia cũng tốn cả bao tải tiền. Một thời hô mưa gọi gió ở thị trấn có vàng miền Sơn Cước nhưng Quyền “Ê Đê”ra đi chỉ vài đàn em đưa tiễn. Thậm chí còn có lời đồn đoán, đại gia không đủ tiền trả cho người lấp đất chôn mình!

Chiều lịm dần sau dãy núi phía Tây. Bóng người đàn bà mệt mỏi tìm nơi vùi xác chồng, sậm đen trên bạt ngàn rãnh hào, hố hục của khu đồi Apey B. Tiếng nức nở hút dài theo cơn gió lao nhanh về phía chân trời. Vàng mở cánh cửa giấc mơ và nghiệt ngã khép lại, không chỉ với Chín “Ca Mơ Run”, với Quyền “Ê Đê”mà còn với không biết bao nhiêu thân phận quăng quật mưu sinh giữa núi rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời vàng...