Tinh gọn các thủ tục hành chính (TTHC) , cải thiện môi trường đầu tư và đáp ứng về điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp đang được lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Tỉnh cho đây là những yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư đến, gắn bó cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Vị trí cao về cải cách số hoá
Thực hiện cải cách TTHC theo Bộ chỉ số 766, trong tuần 49 (từ ngày 4 - 11/12/2023), tỉnh Bình Dương đạt 83,1/100 điểm, xếp loại tốt và đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. So với kết quả ngày 4/12/2023, tỉnh Bình Dương tăng 4,3 điểm và tăng 4 hạng.
Thống kê đến nay tỉnh đã đồng bộ 940.486/966.709 hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia (97,29%). Tỷ lệ TTHC cung cấp DVC trực tuyến đạt trên 60%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt hơn 45%. Trong tuần qua đã có trên 101 ngàn hồ sơ thanh toán trực tuyến, đạt trên 38%; hơn 163 ngàn hồ sơ thanh toán trực tiếp và hình thức khác, đạt gần 62%. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt gần 60%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt gần 48%. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt xấp xỉ 7%…
Về công tác chuyển đổi số, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cấu hình 1.426 eForm (100% eForm tự động điền cho các DVC trực tuyến có phát sinh hồ sơ). Tiếp tục rà soát, điều chỉnh 389 eForm (tổng 1.815 eForm) cho phù hợp, tối ưu người dùng.
Đối với Đề án 06, tính từ ngày 26/11 đến 09/12/2023 đã thu nhận được hơn 6 ngàn tài khoản định danh điện tử và tích lũy được hơn 1,8 triệu tài khoản thu nhận; kích hoạt được gần 8,5 ngàn tài khoản tích lũy được trên 1,6 triệu tài khoản kích hoạt.
Phát biểu tại buổi họp họp giao ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06, Thành phố thông minh tỉnh ngày 11/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh trong những tuần qua. Nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, còn một số chỉ số trong những tuần qua chậm được cải thiện, do đó các sở ngành cần phân tích, tìm ra nguyên nhân để kiến nghị Ban chỉ đạo các giải pháp để khắc phục.
“Trước hết cần phải sớm khắc phục điểm nghẽn về đường truyền, đẩy mạnh tập huấn trong thực hiện Bộ chỉ số 766. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp đồng thuận triển khai thực hiện cải cách TTHC”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Cải thiện môi trường đầu tư
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, Bình Dương có hơn 4,2 ngàn dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.HCM.
Mặc dù đã được tạo mọi điều kiện nhưng trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp nước ngoài ngày 11/12, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều trăn trở để tiếp tục đầu tư, phát triển. Một số doanh nghiệp cho rằng, do ít đơn hàng nên gặp khó khăn, rất mong được hoàn thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế. Nhiều doanh nghiệp đang vướng về thủ tục xin giấy phép xây dựng, giấy phép cho lao động nước ngoài.
Liên quan vấn đề về điện, có doanh nghiệp phản ánh, sự cố điện xảy ra liên tục khiến họ gặp khó khăn trong quá trình sản xuất; việc không được hòa lưới điện quốc gia cũng khiến họ không thể cạnh tranh.
Sau những vấn đề doanh nghiệp phản ánh, lãnh đạo các sở, ngành Bình Dương đã trả lời, giải đáp một cách cặn kẽ. Cụ thể, liên quan đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp đang hoạt động được cơ quan thuế xem xét hoàn thuế giá trị gia tăng theo 2 trường hợp, đó là đối với dự án đầu tư và đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện đúng thời gian quy định, riêng năm 2023 đã hoàn thuế giá trị gia tăng trên 23,5 ngàn tỷ đồng. Đối với một số trường hợp còn vướng mắc, ngành thuế đã báo cáo và khi có chỉ đạo từ cấp thẩm quyền sẽ nhanh chóng giải quyết kịp thời, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với việc giãn thuế, ngành thuế đã chủ động trình Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023 ngày 14/4/2023, đến nay số thuế được gia hạn là gần 4,2 ngàn tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng gần 2,4 ngàn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 1,8 ngàn tỷ đồng, tiền thuê đất gần 23 tỷ đồng.
Về việc lắp điện mặt trời đáp ứng sản xuất xanh, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, đây là chủ trương chung của Chính phủ khuyến khích việc doanh nghiệp sản xuất năng lượng sạch theo hình thức tự sản, tự tiêu. Bình Dương có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để sử dụng trong nhà máy, tuy nhiên việc đấu nối lưới điện quốc gia đang vướng luật.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, công khai thủ tục, rút ngắn thủ tục để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng quy định của pháp luật.
“Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, mở rộng các khu công nghiệp, hiện nay đang có khoảng 2.000 ha đất sạch để thu hút các nhà đầu tư. Triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở cho người lao động với hơn 143 ngàn căn, tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng sản xuất, cũng như nhu cầu chuyên gia cao cấp", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin.