Dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại TPHCM. Ngay sau khi công bố dịch sởi, thành phố mua sắm 300.000 liều vaccine. Dự kiến đến cuối ngày 30/8, vaccine sẽ về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và được phân bổ ngay cho các quận/huyện. Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ ngày 31/8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch sởi, ngày 29/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc về công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
Tỷ lệ bệnh nhân nặng tiêm ngừa vaccine là 0%
Báo cáo với Đoàn công tác, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin, từ tháng 6/2024, số ca nội trú do sởi nhập viện tăng rất cao. Bệnh viện tiếp nhận 368 trường hợp, trong đó, 42 trường hợp nặng phải điều trị hồi sức. Thống kê của ngành y tế TPHCM, từ đầu năm đến ngày 22/8, thành phố ghi nhận 353 ca sởi, trong khi đó (từ 2021 – 2023) chỉ có một ca bệnh mắc sởi.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Viện Phó Viện Pasteur thành phố dự báo, thời gian tới là điều kiện thuận lợi để dịch sởi lây lan do trẻ đi học trở lại, cùng với tiết trời mát mẻ. Nếu không có biện pháp phòng dịch tốt bệnh sẽ gia tăng. Bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine cần giảm tải cho các bệnh viện tại TPHCM, đồng thời kiểm soát phòng, chống dịch ngay trong bệnh viện.
Thông tin về hoạt động công tác phòng chống dịch tại TPHCM, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện số ca mắc sởi đang gia tăng hàng ngày. Tính đến nay, thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Lý giải số ca mắc sởi gia tăng trong thời gian qua, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, kết quả kiểm tra huyết thanh của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố cho thấy, tỷ lệ mẫu có kháng thể IgG luôn thấp dưới ngưỡng 95%. Tỷ lệ dương tính với kháng thể IgG có xu hướng thấp hơn ở nhóm 5 - 15 tuổi, có thể do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa tiêm đủ vaccine. “Kết qủa điều tra kháng thể giải thích sự gia tăng số ca bệnh sởi trong thời gian qua trên địa bàn thành phố, cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh ở nhóm trẻ lớn tuổi”- ông Châu thông tin.
Mặc dù số ca mắc sởi tăng cao, song ngành y tế thành phố lo ngại, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa bệnh sởi ở bệnh nhi nặng là 0%.
Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định, rất nhiều ca bệnh đòi hỏi bệnh viện phải dồn lực cứu sống bệnh nhi. Đề cập đến tỷ lệ chích ngừa sởi ở trẻ em, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, tỷ lệ trẻ có kháng thể phòng bệnh sởi từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2024 luôn thấp dưới 95%. Vị này dẫn chứng, mẫu khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ có 71% trẻ kháng thể phòng sởi.
Nhanh chóng tổ chức tiêm ngừa sởi
Theo lãnh đạo Sở Y tế, cuối năm 2023, tỷ lệ kháng thể từ 44% đến 59%, cộng với hậu quả do Covid-19 nên ngành y tế rất lo và đã chủ động nhiều giải pháp để phòng chống dịch sởi, trong đó có tiêm vaccine cho trẻ.
Ông Tăng Chí Thượng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh chủ động dự báo dịch bệnh nào tăng, mạnh dạn tham mưu công bố dịch sởi. Công bố dịch để công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn, tránh gây hoang mang.
Sở Y tế cho biết, ngay sau khi công bố dịch sởi, thành phố đã mua sắm 300.000 liều vaccine (đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM). Dự kiến đến cuối ngày 30/8, vaccine sẽ về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và được phân bổ ngay cho các quận/huyện. Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ ngày 31/8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Qua làm việc về công tác phòng, chống bệnh sởi tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định: Thành phố chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch sởi. Các kế hoạch được triển khai đồng bộ như: phân luồng, loại, thu dung, điều trị, hạn chế tử vong. Bệnh viện sẵn sàng thuốc, thiết bị, vật tư, có khu vực cách ly trong trường hợp bệnh có ca tăng cao.
Ngoài ra, TPHCM còn nhanh chóng mua vaccine tiêm vét, tiêm bù cho trẻ, tiêm cho nhân viên y tế. Hy vọng, thành phố huy động lớn nguồn lực cùng tham gia chống dịch tạo hiệu quả cao nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sắp tới ngày khai giảng năm học mới nên nguy cơ lây bệnh sởi là rất lớn, đặc biệt ở trường mầm non và trường cấp 1. Thành phố phải nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine trước khi trẻ nhập học nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với TPHCM, các địa phương để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Để phòng chống dịch sởi, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, ngoài việc tiêm ngừa đủ 2 mũi vaccine sởi, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ...
Tuyệt đối không để dịch chồng dịch
Tại buổi kiểm tra, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, tình hình dịch sởi đang ngày càng trở nên khó khăn, thách thức cho cả nước, đặc biệt là cho TPHCM và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc ứng phó dịch bệnh, điều trị cho các bệnh nhân sinh sống trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận chuyển tới.
Để phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng các bệnh viện trên địa bàn TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM tiếp tục tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc bệnh sởi, giảm các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện bằng cách phân luồng, lọc bệnh hợp lý, tuyệt đối không để dịch chồng dịch. Tiến hành tiêm vaccine cho trẻ, trong giai đoạn này cần ưu tiên tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi.
Trong thời gian tới có thể mở rộng đối tượng tiêm cho những trẻ đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế có nguy cơ và thường xuyên tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
P.V
Dự kiến ngày 2/9 sẽ cập nhật phác đồ điều trị sởi mới
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong thời gian dịch sởi, yêu cầu tất cả người bệnh và khách đến thăm bệnh viện phải đeo khẩu trang, đặc biệt với các đối tượng nặng và có nguy cơ cao.
Phòng lây nhiễm trong bệnh viện là bài học kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương, yêu cầu cần cách ly, phân luồng và phòng ngừa lây nhiễm. Để giảm thiểu chuyển tuyến, ngành y tế cần tái thiết lập kênh hỗ trợ từ xa, giúp bệnh nhân có thể được điều trị tại địa phương, tạo sự yên tâm cho các cơ sở y tế tỉnh.
“Thông thường, các bệnh nhi nặng hay chuyển về TPHCM, vô tình có thể mang theo mầm bệnh khi trở lại tỉnh, khiến bệnh viện tuyến cuối trở thành trung tâm phân phối sởi về các địa phương, rất nguy hiểm. Chúng tôi khuyến nghị tiêm phòng sởi ngay tại bệnh viện cho các trường hợp đủ điều kiện, cùng với việc phân luồng điều trị.
Dự kiến vào ngày 2/9, chúng tôi sẽ cập nhật phác đồ điều trị sởi mới và sau đó triển khai huấn luyện cho các cơ sở y tế địa phương trên toàn quốc”, TS Khoa nhấn mạnh.
T.S
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngày 29/8, Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Để chủ động phòng, chống và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành và phổ biến đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn và kế hoạch tiêm chủng vaccine sởi theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%. Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Dương Toàn