Don Quảng Ngãi vốn nức tiếng từ lâu. Cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don cùng cái tài chế biến khéo léo của người nội trợ khi thêm các gia vị ăn kèm và các loại rau tạo thành một đặc sản rất riêng của xứ Quảng. Để rồi, chỉ một lần được thưởng thức là người ta cứ nhớ mãi…
Nếu đã là người dân Quảng Ngãi thì sẽ không còn lạ gì với món ăn rất ngon, bỗ dưỡng và thân thuộc ấy. Don là món chế biến rất đơn giản, không hề cầu kì và ai cũng có thể học được.
Cách chế biến don rất đơn giản, sau khi bắt don về, rửa sạch qua vài lượt nước rồi cho vào nước vo gạo ngâm khoảng 4 tiếng. Làm như vậy để don nhả hết đất cát. Don ngâm xong được vớt ra và đem đi luộc.
Kinh nghiệm để luộc được mẻ don ngon là phải 1 chén don kèm 2 chén nước. Canh khi nước sôi dùng đũa khuấy đều để don bung vỏ. Chất ngọt trong thịt don tiết ra làm cho nước luộc có màu trắng đục và vị ngọt thanh rất đặc trưng.
Tiếp đến, đợi don mở vỏ rồi tiến hành lọc nước cốt. Sau đó, người làm chuẩn bị một chậu nước lạnh, đổ don vào rồi tiến hành quá trình tách vỏ và ruột ra làm hai phần khác nhau. Nước don lại được bắc lên bếp đun sôi, rồi nêm nếm tùy theo khẩu vị người ăn. Ruột don sau đó được bỏ chung vào tô don.
Một bát nước don gồm cả nước và cái, thêm một chút hành tây, hành lá, bánh tráng sống và bánh tráng nướng, tương ớt, là đủ cho một bữa đặc sản. Bẻ từng miếng bánh đa sống cho vào tô, rắc thêm hành tây, hành lá, tiêu, tỏi rồi bẻ bánh đa nướng nhúng vào bát don xúc lên ăn. Vừa ăn bánh vừa húp nước mới có thể cảm nhận hết được vị ngọt của nước, béo ngậy của don và bánh đa. Tất cả như quện lại, tạo nên một dư vị rất riêng.
Don có hình dáng tương tự con hến nhưng nhỏ hơn, có vỏ màu vàng hoặc màu đen nhạt. Ở Quảng Ngãi, don sống tập trung ở sông Trà Khúc và sông Vệ, chỉ xuất hiện vào khoảng đầu năm cho đến hết hè.
Theo lời người dân ở làng don Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa kể thì cứ mỗi khi thủy triều xuống, người dân hai bên bờ sông lại rủ nhau đi bắt don. Don thường nằm vùi trong lòng đất, thường cách mặt đất khoảng 3cm. Khi đào bắt, người dân sẽ phải dùng tay để bới đất tìm don hoặc dùng nhủi tre (loại làm bằng tre, có lưỡi bằng sắt) để nhủi don.
Để đào được nhanh, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương phải dùng tay khoét vào lòng đất một vũng nước dài khoảng 5cm, rộng 3cm. Độ sâu thì tùy thuộc vào chỗ đào so với mép của mực nước thủy triều hiện tại. Sau đó dùng hai tay khoét liên tục về khoảng đất phía trước. Để có được một mẻ don cũng mất cả ngày.
Cũng chính từ vị ngon của món ăn này mà nhiều người Quảng Ngãi khi vào TP HCM lập nghiệp đã mang theo nó. Dần dà món ăn này cũng khiến nhiều người thành phố “nghiện”. Và vì thế mà ở nơi đất mới này, không ít quán Don của người Quảng Ngãi mọc lên, thu hút rất nhiều thực khách thành phố.