‘Đòn quyết định’

Anh Tú 07/08/2021 06:25

Theo Bộ Y tế, cho đến sáng 6/8, đã có 8.061.116 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều. Đây là những liều vaccine do nước ngoài sản xuất do chúng ta mua hoặc được tặng theo con đường ngoại giao. Ước tính, thời gian tới, vài chục triệu liều vaccine liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam.

Tuy nhiên không thể “đặt hết vào cửa vaccine ngoại nhập” được. Như Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường từng thừa nhận, “tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 75% tổng lượng vaccine đang được dành cho 10 nước phát triển, chỉ có 1% đến tay các nước đang phát triển.

Ở đây có một số yếu tố được chỉ ra như quyền kiểm soát nguồn cung vaccine đang nằm trong tay một vài nước phục vụ cho lợi ích của riêng họ và những nước này vẫn “chưa chịu” chia sẻ với các nước đang phát triển. Trong khi đó, chính các nhà sản xuất vaccine cũng gặp phải sự chậm trễ và đình trệ trong khâu cung cấp.

Tương tự, việc chuyển giao công nghệ vaccine không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Tại Nghị quyết 21/NQ-CP, Chính phủ đã ấn định số lượng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Tuy nhiên, nếu trông cả vào vaccine nhập thì rất dễ bị “hớ”. Thay vào đó, nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đã nhắc tới việc phát triển vaccine nội từ đầu năm 2020, khi dịch mới bùng phát.

Để triển khai có hiệu quả việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phải luôn lưu ý đối với việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, cần phải dành sự quan tâm đặc biệt để nhanh nhất, sớm nhất có thể sản xuất được vaccine trong nước; trình tự, thủ tục hành chính có thể rút gọn tối đa, nhưng phải đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định về pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 cũng như cho phép hành pháp áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất...

Đến nay, vaccine Nano Covax là vaccine nội đầu tiên có thể “cán đích” trong năm 2021. Vaccine này được đánh giá có hiệu giá kháng thể trung hoà cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng.

Ứng viên còn lại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là COVIVAC của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). IVAC cho biết dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liệu vaccine/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư. Trong khi đó, Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20-30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Với những tiến triển lạc quan của vaccine madein Vietnam, hy vọng rằng trong năm 2021, chậm nhất là quý đầu năm 2022 là Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung thông tư theo trình tự rút gọn để hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký, lưu hành vaccine trong trường hợp cấp bách, trên cơ sở cụ thể hóa quy định của luật pháp, tham khảo quy trình của các nước.

Phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục mọi khó khăn theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm nhanh chóng đưa vaccine Việt Nam vào sản xuất để nhắm tới miễn dịch cộng đồng. Làm cơ sở cho mở cửa kinh tế, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Đòn quyết định’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO