'Dọn sạch' không gian mạng

Nghĩa Nam 20/04/2023 06:39

Trong khi các phim chiếu rạp bị kiểm duyệt theo Luật Điện ảnh, phải cắt bỏ những hình ảnh và nội dung vi phạm các điều cấm… thì phim chiếu mạng vẫn hết sức thoải mái trong việc đăng tải hình ảnh, nội dung và dường như thiếu hẳn sự kiểm soát.

Web drama “Vợ hai” từng gây sốc với nội dung bạo lực.

Để chấn chỉnh vấn đề này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có Công văn số 923, ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, gồm 10 thành viên do ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh làm Tổ trưởng. Tổ công tác có trách nhiệm kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, gỡ bỏ phim vi phạm…

Bùng nổ phim “mì ăn liền” chiếu mạng

Trước tiên cần phải khẳng định, các cá nhân không được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Điều này được quy định rõ trong Khoản 1 điều 21 của Luật Điện ảnh: “Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo thực hiện phân loại phim.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua không gian mạng lại chính là nơi phổ biến, lan truyền những bộ phim (hay web drama) của nhiều cá nhân không có sự kiểm soát, dẫn đến sự hỗn loạn khi mà công chúng chứng kiến không ít sản phẩm khai thác vấn đề bạo lực, giang hồ, tình dục được thể hiện một cách trần trụi.

Phim chiếu mạng bắt đầu nổi lên sau thành công của một số nhóm làm phim nghiệp dư như FAP TV, BB&BG, Thích ăn phở... chủ yếu có nội dung hài hước, vô thưởng vô phạt. Đáng chú ý vào thời điểm năm 2020 xuất hiện phim nói về những cô gái “đổi tình lấy tiền” trền mạng. Sugar daddy & sugar baby của Trần Bửu Lộc được cho là miêu tả trần trụi những cảnh yêu đương nóng bỏng. Thậm chí, cảnh phòng the còn để lộ cơ thể của diễn viên. “Gái ngàn đô” của Bùi Huy Thuần khai thác câu chuyện về những cô gái làm nghề mại dâm cũng khiến khán giả “hốt hoảng”. Tới năm 2022, những bộ phim kiểu như vậy đã bùng nổ trên không gian mạng. Có thể kể đến phim Công chúa bến xe của Jang Mi, Trời ơi! Tức muốn chết của Hồng Vân hay Gia đình bá đạo của Thu Trang - Tiến Luật...

Theo đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hồng Quân, phim chiếu mạng có nhiều lợi thế riêng và không vướng phải sự cạnh tranh với phim chiếu rạp hay truyền hình. Nó khá tự do trong cách tiếp cận với khán giả. Mỗi sê-ri phim được sản xuất khá nhanh, nội dung bắt trend (xu hướng) nhờ kịch bản ngắn trong khi giới trẻ tiếp cận những sản phẩm nghệ thuật chủ yếu thông qua Internet. Trong khi lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Thực tế cho thấy không thể tìm kiếm sản phẩm chiếu trên mạng có đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh đương đại. Mục tiêu của nhà sản xuất là kinh doanh, kiếm tiền trong khoảng thời gian ngắn, nên không mấy người quan tâm đến đạo đức văn hóa làm nghề. Nói như PGS Trần Thanh Nam (Đại học quốc gia Hà Nội thì “họ không có quan điểm, nền tảng văn hoá sâu rộng, vậy nên mục tiêu của họ khi xây kênh là phải có lượt xem, lượt tương tác cao. Các bộ phim càng có tiêu đề gây sốc sẽ càng thu hút”.

Chuyện xoay quanh giới giang hồ là đề tài quen thuộc của phim chiếu mạng.

Web drama nhiều tiêu cực

Trong một vấn đề khác liên quan, đó là web drama trên mạng. Nó có thể tiếp cận với mọi đối tượng khán giả chỉ với thiết bị kết nối Internet, kiếm tiền quảng cáo tốt, lại không bị kiểm soát, chi phí bỏ ra không lớn. Chỉ với một thao tác đơn giản tìm kiếm các từ khoá như “tiểu tam” - chỉ kẻ chuyên chen chân vào cuộc sống của các cặp đôi hoặc hôn nhân vợ chồng; nhằm phá hoại, vụ lợi và làm rối loạn mối quan hệ của cặp đôi đó; “Sugar-baby” - từ lóng dùng để gọi những cô gái dùng nhan sắc, tình cảm, tình dục… để đổi lấy tiền, quà cáp từ những người đàn ông lớn tuổi; “ngoại tình”… không khó để người sử dụng Internet có thể tiếp cận hàng loạt các web drama, clip ngắn với nội dung nhạy cảm, tiêu cực.

Rất khó để kiếm được một web drama chất lượng, lại càng khó gấp bội khi muốn tìm giá trị nhân văn. Bối cảnh đơn giản, dàn dựng sơ sài, dễ dãi, dàn diễn viên gượng gạo nhưng nhờ việc kết hợp cùng thuật toán nên các sản phẩm độc hại này được nhiều người truy cập trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok… Có khi lên tới hàng triệu lượt xem cùng nhiều lượt bình luận, chia sẻ, chủ yếu là nhóm trẻ thành niên và vị thành niên.

Tới thời điểm này, việc “dọn dẹp” các web drama trên không gian mạng là việc cấp bách. Không thể để những clip này hoành hành, cần phải được gỡ bỏ, xử lý sai phạm. Cũng cần nhắc lại, Điểm d, điều 21 của luật Điện ảnh 2022 về “Phổ biến phim trên không gian mạng” đã quy định: “Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng”.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng quản lý phim chiếu mạng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Ở giai đoạn bùng nổ phim chiếu mạng hiện nay, thì Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng sẽ có những “phản ứng nhanh” để kịp thời rà soát, nắm bắt, xử lý nội dung độc hại, phản cảm. Sẽ đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim; Cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Dọn sạch' không gian mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO