Với việc phòng và chống dịch Covid-19 thành công, Việt Nam đang trở thành tâm điểm để các nhà đầu tư nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”. Mặc dù 4 tháng đầu năm 2020, thu hút FDI có giảm so với cùng kỳ năm 2019, song giới chuyên gia dự báo, sẽ có một làn sóng đầu tư mới tràn vào Việt Nam thời hậu dịch Covid -19.
Mời gọi nhưng cũng cần chọn lựa dòng vốn FDI. Ảnh minh họa.
Nhiều cơ hội phía trước
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho hay, tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 12,33 tỉ USD, chỉ bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016-2018. Con số này cho thấy, bất chấp tác động của dịch, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ và dự báo sẽ còn chảy vào trong nước mạnh mẽ hơn nữa sau khi dịch Covid-19 được chấm dứt hoàn toàn.
Tại các địa phương, hoạt động thu hút đầu tư vẫn diễn ra khá nhộn nhịp trong những tháng đầu năm bất chấp dịch. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, quý I/2020, thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng tới 86,04% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 117,76 triệu USD. Trong đó, riêng vốn FDI đạt 65,98 triệu USD, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tại Đồng Nai cũng sôi động không kém, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, thu hút được trên 200 triệu USD vốn, kết quả này dù không lớn so với mục tiêu thu hút khoảng 1 tỷ USD trong năm 2020 được địa phương đặt ra, nhưng cũng cho thấy rõ những nỗ lực của địa phương trong thực thi các chính sách thu hút đầu tư thời gian qua.
Nhận định về xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, người ta đã thấy tín hiệu của sự dịch chuyển các dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến các nhà môi giới bất động sản của Việt Nam để tìm kiếm địa điểm mới phục vụ cho mục tiêu dịch chuyển các dự án, nhà máy đang đầu tư ở Trung Quốc sang Việt Nam”- ông Hiếu nói.
Một ví dụ rất cụ thể đó là, Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Giới chuyên gia cũng cho biết, Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn tới. Đây là hai địa chỉ đã được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng như những DN thuộc các nước EU lựa chọn…
Mới đây, Hãng Sharp nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử của Nhật Bản cũng đã tuyên bố sẽ xây một nhà máy mới tại Việt Nam để tránh những tác động tiêu cực trong thương chiến Mỹ - Trung. Được biết, Apple cũng có dự định sẽ sớm chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam…
Tỉnh táo “thanh lọc”
Những dữ liệu nói trên cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng đánh giá cao Việt Nam và coi đây là điểm đến hấp dẫn hơn hẳn nhiều quốc gia khác thời kỳ hậu dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo về việc, chúng ta cần phải rất thận trọng trong việc mở rộng cửa để đón làn sóng đầu tư. Cơ hội lớn song đi kèm với đó là những rủi ro cho môi trường, cho nền kinh tế khi chúng ta quá dễ dãi trong việc rộng cửa cho các dòng vốn kém chất lượng chảy vào. Những bài học về sự hủy hoại môi trường, về tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách nhà nước thất thu vẫn còn rất nóng.
Việc nhiều dự án dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể là tin vui song cũng không loại trừ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu tuồn vào Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, TS Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong thời gian tới, việc thu hút đầu tư cần phải có sự cẩn trọng, chọn lọc. Theo đó, cần lựa chọn những dòng vốn chất lượng cao, nhà đầu tư có uy tín, có năng lực để không chỉ hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn loại bỏ tình trạng gian lận về thuế. Như vậy mới có thể đảm bảo được sự phát triển ổn định cũng như việc lan tỏa công nghệ đã được đặt ra trong mục tiêu thu hút FDI của nước nhà.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đã qua rồi thời “trải thảm đỏ” đón sóng đầu tư, đây là thời điểm chúng ta cần tỉnh táo “thanh lọc”, chỉ chấp nhận những dòng vốn chất lượng, loại bỏ những dòng vốn kém chất lượng, chỉ ưu đãi những DN đem công nghệ tốt vào trong nước và thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ. Như vậy, dòng vốn FDI mới thực sự phát huy hiệu quả, đúng như mục tiêu chúng ta đặt ra.