Giáo dục

Dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT hay đánh giá năng lực?

Nguyễn Hoài 30/01/2024 11:23

Xu hướng sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học dần trở nên phổ biến khiến nhiều thí sinh vừa đầu tư thời gian cho các kỳ thi này vừa dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT để tăng cơ hội vào đại học.

Tăng số trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng

Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức đang được các trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học. Ghi nhận trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học có xu hướng sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng để xét tuyển.

z5119063585819_6606e0f8be7631bc58fab30a838de0dc.jpg
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, có gần 70 trường đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường.

Năm nay, có thêm một số trường đại học tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này. Tính sơ bộ, số trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển trong năm 2024 có thể lên đến gần 100 trường đại học khu vực phía Bắc. Ngoài ra, một vài trường đại học khu vực phía Nam cũng tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi trong thời gian tới.

Đại học Quốc gia TPHCM đã mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024. Theo đánh giá từ phía nhà trường, sau 6 năm tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM liên tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả tuyển sinh.

Năm 2018, kỳ thi được tổ chức trong phạm vi Đại học Quốc gia TPHCM với 7 trường đại học thành viên, đến năm 2023 đã có 47 trường đại học và cao đẳng trong cả nước cùng tham gia phối hợp tổ chức. Số lượng các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi cũng tăng theo từng năm, từ 7 trường năm 2018 lên đến 97 trường vào năm 2023.

Kỳ thi năm nay được tổ chức 2 đợt trước thi tốt nghiệp THPT: đợt 1 dự kiến vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 dự kiến vào ngày 2/6/2024. Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, thí sinh có thể tham gia dự thi đợt 1, đợt 2, hay cả 2 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển.

Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy là một trong 3 phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm nay, kỳ thi đánh giá tư duy của trường được tổ chức 6 đợt thi. Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tính đến tháng 1/2024, đã có 34 trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào.

Có nên ôm đồm nhiều phương thức xét tuyển?

Xu hướng sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học dần trở nên phổ biến khiến thí sinh đầu tư nhiều thời gian cho các kỳ thi này để tăng cơ hội vào đại học.

z5119063581553_ed25ebfa1808b591590a51fab9f23613.jpg
Phụ huynh và học sinh tra cứu thông tin kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đạt 65,47 điểm của đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, em Trần Khôi Nguyên, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) chưa hài lòng về kết quả của mình. Nguyên cho biết: “Lần đầu tiên thi đánh giá tư duy nên kết quả của em không đạt như mong muốn. Em đang dành thời gian ôn thi cho đợt thi vào tháng 3 tới đây. Để có kết quả tốt hơn, em phải sắp xếp, cân đối thời gian giữa việc học trên lớp và tự ôn tập ở nhà”.

Ôm đồm nhiều phương thức xét tuyển đang khiến không ít học sinh cuối cấp tăng áp lực khi vừa dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT vừa phải ôn thi đánh giá năng lực.

Theo các chuyên gia, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và kỳ thi tốt nghiệp THPT là hai kỳ thi khác nhau về cả nội dung và mục đích. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhất. Học sinh nên tránh việc dành thời gian quá nhiều vào các kỳ thi riêng mà sao nhãng việc học trên lớp và ôn thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, học sinh cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường trong toàn quốc.

Ngoài kỳ thi chung, nếu muốn học sinh nên lựa chọn thêm 1 đến 2 kỳ thi riêng của các trường nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, năm nay thí sinh xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GDĐT. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT hay đánh giá năng lực?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO