Chỉ một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, Washington cũng tuyên bố sẽ sát cánh cùng đồng minh Hàn Quốc và có thể cung cấp các hệ thống phòng thủ chống tên lửa cũng như tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Đông Bắc Á.
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin thông báo về vụ
thử bom nhiệt hạch của CHDCND Triều Tiên. (Nguồn: NPR).
Sau sự việc chấn động diễn ra hôm 6/1, Seoul và Washington đã bắt đầu thảo luận về việc triển khai các thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều tiên - Reuters dẫn nguồn quân sự Hàn Quốc cho hay.
Chính phủ hai nước đã từ chối đưa ra chi tiết về các loại thiết bị quân sự này, nhưng giới phân tích thì nhận định rằng chúng sẽ bao gồm cả việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD ở Hàn Quốc, cùng việc tăng cường sự hiện diện của Hạm đội 7 của Mỹ trên các vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Hồi đầu năm 2013, một thời kỳ căng thẳng gia tăng trong khu vực, Mỹ đã từng triển khai một tàu ngầm hạt nhân tới Đông Bắc Á cùng nhiều loại máy bay quân sự có khả năng thả bom nguyên tử như B-2 hay B-52 đến Hàn Quốc. Giờ đây, trong bối cảnh sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, một bước đi phô trương sức mạnh như vậy cũng rất có khả năng tái diễn.
Động thái bị cộng đồng quốc tế lên án là “khiêu khích” vừa qua của Bình Nhưỡng còn có khả năng hồi sinh các vòng đàm phán về việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ, lãnh hải Hàn Quốc. Dù những thứ vũ khí kiểu này đã được rút khỏi bán đảo Triều Tiên từ đầu những năm 1990, nhưng Hàn Quốc đến nay vẫn ngập ngừng về kế hoạch tái triển khai.
Đến nay, chính quyền Washington và Seoul vẫn còn do dự trước việc thúc đẩy kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên một số ý kiến chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ và Hàn Quốc vẫn nên xem nó như một lựa chọn.
“Mỹ và Hàn Quốc đang mập mờ về việc đưa ra các phản ứng của mình, nhưng dường như họ đang cân nhắc về việc triển khai các hệ thống đánh chặn như THAAD” – Lance Gattling, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Nexial, nói với Hãng Telegraph.
Vị chuyên gia cũng nhận định rằng, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch đã cho thấy một mối đe dọa ở tầm cao mới với Hàn Quốc và Mỹ, buộc hai nước này phải đáp trả bằng cách nâng cấp các hệ thống phòng thủ.
Trước đó, trong ngày 6/1, CHDCND Triều Tiên đã gây bất ngờ cho toàn thế giới khi tuyên bố rằng đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Dù đa phần các nhà phân tích nghi ngờ tuyên bố này và các dữ liệu địa chấn cho thấy dường như vụ nổ lần này yếu hơn hẳn so với 3 vụ thử trước đó, cộng đồng quốc tế vẫn chỉ trích vụ việc như một hành động “khiêu khích”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nói rằng quân đội nước này đang xem xét các biện pháp đáp trả đối với hành động “khiêu khích” của Triều Tiên, trong đó gồm cả việc tái thiết lập các dàn loa phóng thanh tuyên truyền ở vùng Phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền Triều Tiên.
Trong khi đó, Washington nhắc lại cam kết quốc phòng của mình đối với Hàn Quốc trong một cuộc điện đàm giữa ông Han và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter mà trong đó, theo Hãng tin Yonhap, thỏa thuận giữa hai phía bao gồm việc triển khai “mọi loại thiết bị đánh chặn”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng xác nhận quan điểm của Washington rằng cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng là “hành động khiêu khích quá độ” và là thách thức không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế, cũng như vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đang áp đặt đối với Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Kerry cũng thêm rằng Mỹ sẽ đáp trả “lạnh lùng” đối với hành động của Triều Tiên, phối hợp với LHQ cùng các thành viên khác của cộng đồng quốc tế.
Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức cuộc thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật. Hai nhà lãnh đạo cũng thỏa thuận sẽ “cùng làm việc để thành lập một mặt trận liên kết và mạnh mẽ để đáp trả hành vi của Triều Tiên”- Nhà Trắng nói trong một tuyên bố.