Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường và sạt lở trên sông Cửu Long khi mực nước các sông đang lên cao.
Mực nước các sông đang lên cao
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo triều, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu (An Giang) 3,23m, trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) 2,81m. Dự báo trong những ngày tới, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn sông Mekong, kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (tại Tân Châu, Châu Đốc) lên nhanh, có khả năng dâng cao nhất trong 4 năm qua và đạt đỉnh lũ năm 2022.
Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,7m, trên báo động 1 là 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức 3,3m, trên báo động 1 là 0,3m, tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Còn tại Trà Vinh, trên sông Cổ Chiên, mực nước có khả năng đạt 2,2m, cao hơn mức báo động III 0,3m; trên sông Hậu, mực nước có thể đạt 2,2m, cao hơn báo động III 0,2m. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang - Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bên cạnh triều cường lên nhanh và cao, còn có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Trà Vinh là tỉnh có nhiều địa phương dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới, như các xã ven biển, cửa sông thuộc các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Ngoài ra, các xã nằm dọc các sông Cổ Chiên và sông Hậu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Năm 2021, triều cường dâng cao đã làm sạt lở và vỡ cục bộ các đoạn đê bao, bờ bao trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân với diện tích gần 70 ha hoa màu, lúa, cây ăn trái, mía và ao nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, mưa lớn kết hợp gió mạnh kèm theo lốc xoáy đã làm thiệt hại 72 căn nhà ở của người dân và 5 phòng học bị tốc mái trên địa bàn tỉnh, với ước thiệt gần 2,3 tỷ đồng và thiệt hại trên 2.772 ha lúa, cây trồng.
Còn tại Cần Thơ, những ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 4, mưa nhiều nên triều cường tại thành phố đã dâng cao lên mức 2m (tương đương báo động 3), gây ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, sông Tiền và sông Hậu chịu ảnh hưởng thủy triều Biển Đông và nước sông Mekong đổ về. Trong năm có 3 đợt thủy triều có mức nước cao nhất đó là đợt nước rằm tháng 8, 30/8, và rằm tháng 9 âm lịch. Đây là những đợt thủy triều mà thành phố Cần Thơ và các đô thị vùng giữa đồng bằng từ quốc lộ 1A ra biển thường bị ngập mỗi đợt vài ngày và ngập sâu nhất vài tiếng vào giờ con nước lớn trong ngày.
Chủ động ứng phó
Để chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường và sạt lở, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường, mực nước trên các khu vực cửa sông, kênh rạch; rà soát, xác định các khu vực bị ảnh hưởng ngập úng; kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình lũ, triều cường để các cơ quan, đơn vị, nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm, tát để sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, các khu vực trồng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố khu dân cư thường xuyên bị ngập sâu và vị trí có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm về ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Liên quan đến đợt không khí lạnh đầu mùa, theo ông Vũ Tuấn Anh, dự báo viên Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tại ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống, dự báo trong khoảng ngày 9/10, sẽ tác động đến phía Bắc nước ta. Từ ngày 9/10, mưa sẽ xảy ra ở khu vực Bắc Bộ gây ra sự giảm nhiệt, từ đêm 9/10 trở đi nền nhiệt độ giảm mạnh, có nơi ở vùng núi giảm xuống 16-18 độ C trời chuyển rét. Khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhiệt độ giảm sâu nhất từ 19 - 21 độ C trời chuyển lạnh.
Do tác động khá mạnh của không khí lạnh ảnh hưởng xuống kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên tổ hợp của 2 hình thế này sẽ là nguyên nhân chính gây ra mưa ở khu vực miền Trung. "Khu vực từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Ngãi sẽ xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa dự báo cho cả đợt phổ biến khoảng 150 - 250mm, đột biến có nơi trên 350mm. Nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc sét và gió giật mạnh, sạt lở đất và ngập úng..." - ông Tuấn Anh cho hay.