Diễn biến dịch bệnh đang tác động mạnh mẽ đến người dân, nhất là người dân nghèo, lao động thu nhập thấp. Nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL khẩn trương chi trả hỗ trợ các chính sách nhằm giúp đỡ người dân vượt qua đại dịch…
Tại thời điểm này, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai thật nhanh, chặt chẽ NQ 68 và QĐ 23/2021/QĐ-TTg, qua đó đã phê duyệt hỗ trợ cho 7.485 đối tượng chính sách số 12 của NQ68, với số tiền trên 8,98 tỷ đồng, trong đó đã chi trả 7.072 người với 8,48 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94,4%.
Ở Bạc Liêu, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo NQ 68 và QĐ 23/2021/QĐ-TTg đang được tỉnh Bạc Liêu khẩn trương triển khai. Đến nay, nhiều người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh đã nhận được tiền hỗ trợ để vượt khó, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Minh Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, huyện đã rà soát đề nghị hỗ trợ lao động bị mất việc làm theo NQ 68 của Chính phủ trong đợt này một cách khẩn trương nhất. Đến thời điểm này đã tổ chức hỗ đợt 1 cho 16.000 đối tượng với tổng số tiền trên 22 tỷ. Việc lập hồ sơ, danh sách các trường hợp bị ảnh hưởng được thực hiện gấp rút, giảm tối đa các thủ tục nhưng đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Theo số liệu từ Sở LĐTBXH, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bạc Liêu đã quyết định phê duyệt 81.400 lao động tự do với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 117 tỷ đồng. Đến thời điểm này các địa phương đã hỗ trợ cho hơn 74.200 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác theo Quyết định số 310 của UBND tỉnh với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng.
Với tỉnh Trà Vinh, đến nay, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 16.439 hộ dân, với 64.917 nhân khẩu; làm nhiều người mất việc làm, thu nhập; hàng hóa nông sản đến kỳ thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Hiện Trà Vinh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ đối cho 60.478 đối tượng thuộc nhóm lao động tự do, với tổng kinh phí hơn 91 tỷ đồng. Qua đó, đã cấp phát cho 60.051 người, với kinh phí hơn 90 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch…