Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn nước nhiễm mặn, sản xuất khó khăn

NGUYỄN VĂN THÀNH 07/08/2015 08:53

Thời gian qua, nhiều khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long nước mặn xâm nhập sâu, không chỉ ở sông, kênh rạch, mà còn tràn cả vào ruộng đồng. Hiện tượng nước mặn xâm nhập không mới, nhưng năm nay đặc biệt gay gắt.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn nước nhiễm mặn, sản xuất khó khăn

Nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long ruộng bị nhiễm mặn,
người dân gặp khó khăn

Tại Kiên Giang, tới thời điểm này gần 2.000 ha đất sản xuất lúa hè thu của các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành và TP Rạch Giá bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Nước mặn xâm nhập sâu cũng khiến cho sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Lĩnh vực chăn nuôi cũng chịu tác động xấu. Theo ước tính của UBND tỉnh Kiên Giang, có tới gần 300.000 người dân đã và đang phải chịu tác động của nước nhiễm mặn.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, nguyên nhân của đợt xâm nhập mặn lịch sử năm nay do mực nước ngọt ở thượng nguồn trên sông Cửu Long xuống thấp, với độ mặn dao động từ 1,1‰ đến hơn 6‰. Cùng với việc nước mặn tràn vào khiến cho nhiều ruộng lúa chỉ còn cách cấy giặm bù vào chỗ lúa chết. Theo Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt mặn lịch sử này vẫn còn tiếp tục do lượng nước ngọt ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc thấp hơn cùng kỳ từ 0,3 - 0,7m. Toàn bộ 18 cống ngăn mặn từ Hòn Đất về Rạch Giá đều đã đóng kín để ngăn mặn, giữ ngọt, nhưng tình hình vẫn khó cải thiện.

Đáng chú ý, ở vùng nhiễm nặng như ấp Tân Điền, Hưng Giang, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), bà con nông dân đã phải gieo sạ lại từ đầu. Có nơi đất đã làm xong nhưng vẫn không có nước ngọt để sạ lúa. Do tình trạng này mà chi phí cho sản xuất của bà con tăng cao.

Tại Hậu Giang, bà con nông dân cũng đang phải đối phó với xâm nhập mặn. Theo tính toán, mặn đã về sớm hơn cùng kỳ khoảng 15 ngày, xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển đổ vào khu vực thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ …, với nồng độ mặn là 3 phần ngàn, ảnh hưởng xấu tới 2.000 ha lúa. Cho tới thượng tuần tháng 7, mặn đã lấn sâu vào 3 huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh, từ 1,1 phần ngàn tới 6 phần ngàn. Tại huyện Long Mỹ, độ mặn cao nhất đo được tại kênh Trà Ban, xã Long Phú là 9,5 phần ngàn. Tương tự, tại thị trấn Trà Lồng là 6,3 phần ngàn. Nhìn chung độ mặn đều tăng so với các năm trước, trong khi chỉ cần độ mặn 2 phần ngàn đã ảnh hưởng xấu tới lúa cũng như các loại cây ăn trái. Đây là đợt xâm nhập mặn được đánh giá là bất thường trong vòng 20 năm qua.

Tình hình nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây. Việc nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô mang lại một mối lo ngại lớn cho toàn vùng. Nguyên nhân chính được cho là do biến đổi thời tiết, mùa khô kéo dài, lượng mưa thấp lại kết thúc sớm, lưu lượng thượng nguồn cũng hạn chế dần. Một nghiên cứu cho biết, trước năm 1975 trong mùa khô lưu lượng sông Cửu Long đạt khoảng 2.000 m3/giây, so với lưu lượng tháng 9, 10 là 40.000 m3/s. Tới nay, lưu lượng nước mùa khô không tới 1700 m3/giây, có lúc chỉ đạt 14.000m3/s.

Nhận định của cơ quan chức năng, hiện tượng xâm nhập mặn sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài qua từng năm. Vì vậy, với đồng bằng sông Cửu Long là không chỉ chung sống với lũ mà còn là chung sống với mặn. Việc phát triển nuôi tôm tại những vùng ven biển nơi nước mặn xâm nhập nặng cần được khuyến khích, thay vì việc mở rộng diện tích trồng lúa, cây ăn trái. Việc làm hồ giữ nước ngọt mùa mưa cũng cần được đầu tư thỏa đáng. Hệ thông đập, cống ngăn mặn xả ngọt nhìn chung đã cũ, cần được nâng cấp, sửa chữa. Nói như TS Lê Anh Tuấn thì để hạn chế tác hại của xâm nhập mặn, các tỉnh trong vùng phải hợp tác với nhau để bảo vệ nguồn nước của đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn nước nhiễm mặn, sản xuất khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO