Thời gian gần đây, ngay đầu mùa mưa nhưng ở ĐBSCL lại liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân, thiệt hại tài sản nhà nước rất lớn…
Liên tiếp xảy ra sạt lở
Theo thống kê của ngành chức năng TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm, TP Cần Thơ xảy ra gần 20 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Sạt lở đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân.
Vụ sạt lở diễn ra vào khoảng 00 giờ ngày 20/6 vừa qua khiến 13 căn nhà dọc theo sông Trà Nóc, đoạn thuộc khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, bị ảnh hưởng phần nhà phía sau. Ông Phan Anh, một trong số các hộ dân bị sạt lở, cho biết, vụ sạt lở diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 đến 15 phút, cả phần nhà sau của gia đình ông và các hộ lân cận bị trôi tuột xuống sông. Trước khi vụ sạt lở xảy ra, không có hiện tượng rung lắc gì cả, đến khuya đêm đó thì vụ việc xảy ra và không thể nào chống đỡ được…
Ghi nhận của chúng tôi, ông Phan Anh cũng như nhiều hộ dân ở khu vực này mong muốn có chỗ ở đàng hoàng ổn định hơn, vì sống ở bờ sông sạt lở liên tục lo lắng, bất an.
Chỉ mấy ngày sau, ngày 26/6, một vụ sạt lở khác đã kéo 5 căn nhà đoạn gần chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng bị đổ ụp xuống sông Cần Thơ, rất may không có thiệt hại về con người.
Theo một số người dân ở đây cho biết, ngay tại khu vực sạt lở, sau 2 ngày xảy ra sạt lở do trời mưa nhiều khiến con đường trước tiếp tục xảy ra hiện tượng nứt và sụt lún. Hiện tình trạng lún, nứt vẫn diễn ra ơt khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
Gần nhất đây ở tỉnh An Giang ngày 6/7, ở khu vực bờ sông Hậu thuộc ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tiếp tục bị sụt lún, sạt lở xuống sông. Hiện 11 hộ dân sống ven sông Hậu khu vực này đến giờ này vẫn phải đang phải dời khẩn cấp.
Ghi nhận của phóng viên, hiện đoạn sạt lở có dấu hiệu lở nứt tiếp tục mở rộng ra, chiều dài khoảng 90 mét, ăn sâu vào bờ từ 3 đến 7 mét, đang bị lún xuống sông trên 30cm so với hiện trạng ban đầu. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, chính quyền địa phương đã tổ chức hỗ trợ người dân tháo dỡ di dời. Các hộ dân cũng đồng tình cùng dời về nơi ở tạm.
Theo như thống kê chính quyền địa phương trong phạm vi 250 mét xung quanh điểm sạt lở và 80 mét tính từ quốc lộ 91 xuống bờ sông Hậu, có tổng số 53 nhà ở. Trong đó, có 11 nhà nằm trong các vết nứt, đã di dời. Còn 13 căn nhà nằm cặp các vết nứt có nguy cơ ảnh hưởng và 29 nhà nằm ngoài phạm vi 20 mét cách điểm sạt lở cũng đang trong tình trạng báo động di dời bất cứ lúc nào.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2020, An Giang đã xảy ra 13 vụ sạt lở ven sông Hậu, tổng diện tích đất bị mất lên đến 2.000m2. An Giang đang có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 170km. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức nguy hiểm.
Sạt lở nhiều do mất cân bằng phù sa
Tình trạng sạt lở bờ sông liên tiếp những ngày qua khiến đời sống người dân, tài sản bị đe doạ nghiêm trọng. Điều nghịch lý là tần xuất các vụ sạt lở lại xảy ra nhiều vào đầu mùa mưa chứ không phải cuối mùa như những năm trước đây.
Trao đổi với phóng viên, TS. Dương Văn Ni, Giảng viên Khoa môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Quỹ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL lý giải về tình trạng sạt lở ở ĐBSCL thời gian qua: Thực ra, cách đây 4 đến 5 năm chúng tôi đã chia sẻ với truyền thông rất nhiều về việc ĐBSCL chính thức bước vào giai đoạn mất cân bằng phù sa. Để thành lập được đồng bằng, phần phù sa bồi phải lớn hơn phần phù sa lở.
Những số liệu chúng tôi quan sát, nghiên cứu từ năm 2000 đến 2005, sau đó theo dõi tới 2012 lúc đó mới dám kết luận chính xác ĐBSCL của chúng ta rớt vào giai đoạn mất cân bằng phù sa, phần bồi nhỏ hơn phần lở, vì vậy chúng ta đang ở giai đoạn bị sạt lở. Hồi đó nhiều nhà khoa học còn bức xúc dùng từ ĐBSCL bước vào giai đoạn tan rã.
TS. Dương Văn Ni cho biết thêm: Ngày xưa cũng xảy ra sạt lở, nhưng sạt lở thường xảy ra giai đoạn đỉnh của mùa nước nổi khoảng tháng 9, 10 khi mà nước đầy, chảy xiết, một số dòng sông, những nơi mà hố sâu mới có hiện tượng sạt lở. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, từ 2015 tới nay, ĐBSCL chính thức bước vào giai đoạn mất cân bằng phù sa, gần như chúng ta bị sạt lở quanh năm chứ không rơi vào mùa rõ rệt nữa. Sạt lở nhiều nhất lại vào đầu mùa mưa chứ không phải là cuối mùa mưa.
Lý do đầu mùa mưa sạt lở nhiều là vì mực nước trên sông rạch thấp, mưa xuống làm mềm đất, lượng nước trên bờ nhiều hơn, do đó tràn xuống sông, tạo dòng chảy ngầm trong đất, do đó tăng khả năng sạt lở. Nhiều năm gần đây, sạt lở không chỉ xảy ra ở các sông lớn mà ở bất cứ sông rạch, thậm chí những con kênh, mương đều xuất hiện tình trạng này.
Theo TS. Dương Văn Ni: “Có một vấn đề mà chúng tôi quan sát được, càng đi ra hướng biển độ dốc lòng sông càng sâu, điều đó chứng tỏ nhìn từ phía Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) nhìn dài ra hướng biển rõ ràng ĐBSCL của chúng ta đang nằm độ dốc càng ra biển càng dốc xuống. Kể cả không ai tác động thì cát (hay còn gọi là phù sa thô) cũng sẽ tuột dần lần ra biển sâu.
Cũng theo TS. Dương Văn Ni: “Hàng chục, thậm chí trăm năm trước lượng cát bù lại lớn hơn lượng cát mất đi rất nhiều nên đáy sông luôn ổn định, còn bây giờ lượng cát mất ra biển nhiều hơn lượng cát ở phía thượng nguồn đổ về dẫn đến mất cân bằng, làm cho đáy dòng sông mỗi năm bị thấp xuống từ từ cộng thêm thời gian qua chúng ta khai thác cát quá mức, thành ra rất nhiều chỗ đáy lòng sông bị sụp xuống rất nhanh.
Điều này thời gian qua được các nhà khoa học và ngành chức năng đo đạc bằng những con số rất cụ thể, như ở sông Tiền, sông Hậu có năm sụp thấp xuống cả 50 đến 70 cm. Từ đó cho thấy càng ngày đáy sông càng sâu xuống. Khi đáy sông bị thấp xuống thì nó sẽ kéo bùn cát ở đáy sông nhỏ hơn sẽ bị kéo từ từ ra, do vậy sự mất cân bằng sẽ diễn ra tất cả các con sông lớn nhỏ. Hiện tượng sạt lở không còn phân biệt sông lớn hay sông nhỏ, kênh hay rạch miễn là có bờ sông là có nguy cơ sạt lở...