Trên mâm cỗ Tết đặt lên bàn thờ của đồng bào Bru - Vân Kiều phải có vò rượu cần, rượu đoác cùng bánh chưng, bánh đòn, mứt tết… Càng đặc biệt hơn, trong thời khắc giao thừa và ngày đầu năm mới, đồng bào Bru - Vân Kiều vẫn duy trì và gìn giữ phong tục giữ lửa, lấy nước.
Mời tổ tiên về nhà ăn Tết
Từ bao đời nay, đồng bào Bru - Vân Kiều (ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị) đón Tết cổ truyền của dân tộc với nhiều phong tục độc đáo. Trong các ngày giáp Tết, khoảng từ ngày 26 đến 28 tháng 12 âm lịch, đồng bào Bru - Vân Kiều ở các bản làng tề tựu về khu nhà mồ của mình để cúng tổ tiên. Cầu mong tổ tiên sang năm mới phù hộ cho con cháu mọi điều may mắn. Ai ai cũng có thêm sức khỏe, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
Để mời tổ tiên về nhà ăn Tết, các gia đình người Bru - Vân Kiều đều sửa soạn, trang hoàng lại bàn thờ bằng những tấm vải đỏ mới tinh. Theo bà Hồ Thị An, bản Cây Bông (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), sửa soạn bàn thờ, đặt những tấm vải màu đỏ để cầu mong sự may mắn. Hầu hết các gia đình đều dựng và trang trí bàn thờ như thế, mới được đón tổ tiên về ăn Tết.
Rạng sáng ngày 30 Tết, tiếng giã gạo nếp làm bánh nhộn nhịp cả bản làng, cùng với tiếng gọi mổ heo ăn Tết. Thông thường, cứ khoảng 4, 5 nhà trong bản lại chung nhau làm thịt một con heo để ăn Tết. Nếu là anh em ruột thì phần đầu và đuôi heo để lại cho người anh trai cả làm lễ cúng tổ tiên, phần thịt thì được chia đều. Với đồng bào Bru - Vân Kiều, mâm cỗ ngày Tết đặt lên bàn thờ phải có bánh, vò rượu cần, rượu đoác cùng bánh chưng, bánh đòn, mứt Tết… và không thể thiếu những cây nến được làm từ sáp ong tỏa hương ngào ngạt.
Giữ lửa, lấy nước để may mắn
Tục giữ lửa ngày Tết của đồng bào Bru - Vân Kiều ở các xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh. Phong tục giữ lửa từ đêm 30 qua ngày mùng 1 Tết có từ xa xưa nhằm mở đầu cho những điều tốt đẹp của năm mới, tạo niềm tin lạc quan, hăng hái làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Già làng Hồ Trọng (ở xã Ngân Thủy) cho hay: “Lửa cháy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để năm mới hạnh phúc, thịnh vượng. Nếu đêm 30 Tết mà lửa tắt thì năm mới gia đình đó không được hạnh phúc, cây lúa, cây ngô không nặng hạt”.
Đã trở thành nét văn hóa truyền thống, vào sáng mùng 1 Tết, người chủ gia đình đồng bào Bru – Vân Kiều địu trên lưng chiếc ống lồ ô xuống khe lấy nước về nhà. Khi có nước suối, mỗi thành viên trong gia đình uống một ngụm rồi mới rửa mặt, chân tay, còn lại được dùng để nấu các món trong mâm cỗ ngày Tết.
Theo già làng Hồ Ai (ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), những giọt nước ngọt đầu năm sẽ mang lại may mắn, đó chính là lộc đất trời.
Đến trưa mùng 1 Tết, mọi người bắt đầu đi chúc Tết. Khách và chủ mời chào nhau bên mâm cỗ với những vò rượu cần đầy ắp. Họ cùng chúc nhau năm mới sức khỏe, nương rẫy tốt tươi, gió mưa thuận hòa. Ngày Tết cũng là dịp các già làng, trưởng bản răn dạy con cháu năm nay tu chí làm ăn, xây dựng bản làng ngày càng khởi sắc.
Theo ông Hồ Ai, Tết là điểm khởi đầu của mùa Xuân, mùa của muôn hoa đua nở khoe sắc, muông thú gọi bầy tìm bạn. Đây cũng chính là dịp đồng bào Bru - Vân Kiều ngồi lại với nhau, cùng ôn lại chuyện năm cũ và dự định công việc làm ăn của năm mới.