Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các DTTS Việt Nam trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1952.
Ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập, trong bức thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Plây Ku, ngày 19/4/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta.
Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số “để săn sóc cho tất cả các đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta...).
Dành sự cảm thông sâu sắc với các DTTS, Người từng nói: “Dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ tới đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”.
Ngày 28/1/1941, khi trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân; xây dựng Cao Bằng và các tỉnh miền núi làm căn cứ địa của cách mạng. Từ đây, Người đã tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các DTTS tham gia phong trào cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đào tạo đội ngũ cán bộ từ những người con ưu tú của đồng bào các DTTS thành những “hạt giống đỏ”, góp phần phát triển phong trào cách mạng.
Không chỉ quan tâm, gửi thư thăm đồng bào, tại Phủ Chủ tịch, Người đã nhiều lần tiếp các đoàn đại biểu các DTTS về thăm Thủ đô. Tại các buổi tiếp, bao giờ người cũng căn dặn phải đoàn kết, phải nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Tháng 10/1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh 3 vấn đề đồng bào các DTTS cần phải chú trọng, đó là: 1/ Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các DTTS đoàn kết với dân tộc đa số... 2/ Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay. 3/ Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số dự Kỳ họp lần thứ I, Quốc hội khóa III tại Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Đặc biệt, tháng 8/1963, khi đến dự Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Người đã nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với miền núi và nhắc nhở các cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ: Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Trong công tác, mỗi cán bộ phải luôn tự hỏi và trả lời được các câu hỏi: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? nhất là phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Cùng đó, Người đồng thời chỉ thị cho các ngành, các cấp ở Trung ương phải nhận trách nhiệm và có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi về kinh tế cũng như về văn hoá để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc…
Theo sự chỉ dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn lao cho các DTTS, nhất là với những dân tộc đặc biệt ít người. Trong các chính sách dân tộc miền núi, luôn tập trung vào 3 vấn đề lớn: 1/ Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các DTTS. 2/ Xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 3/ Xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Chính thì thế, đời sống của đồng bào các DTTS đất nước ta ngày càng đi lên, thôn bản ngày thêm đổi mới. Trong sự thành công ấy, có tấm lòng bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà hôm nay cả nước kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.