Trong những năm qua, đồng bào Công giáo Thủ đô đã có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Việc làm đó không chỉ góp phần lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giáo dân xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tham gia dọn vệ sinh môi trường.
Tuyên truyền gắn với giáo lý
Ông Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn Kết công giáo Thủ đô cho biết, cơ sở Công giáo ở thành phố hiện có 489 xứ, họ thuộc 3 giáo phận: Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh. Toàn thành phố có 406 nhà thờ và nhà nguyện, trên 90 linh mục quản nhiệm, trên 2.000 chức việc ở các xứ, họ. Đồng bào Công giáo sinh sống và làm việc ở 337/584 xã, phường, thị trấn, trong đó có 39 thôn Công giáo toàn tòng thuộc 23 xã, thị trấn, trên địa bàn 12 huyện của thành phố.
Qua hơn một năm triển khai thực hiện bước đầu mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được giáo dân cùng cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng. Các xứ, họ đều căn cứ vào đặc điểm tình hình và thực trạng môi trường trên địa bàn để thống nhất với MTTQ và các ban, ngành chức năng liên quan xây dựng những nội dung tiêu chí cụ thể về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên truyền vận động giáo dân, cùng nhân dân tham gia ký cam kết thực hiện những nội dung tiêu chí về bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như giáo họ Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thôn Công giáo toàn tòng đã xây dựng 4 tiêu chí: An toàn - Sáng - Xanh - Sạch đẹp, đạt trên 80%. Giáo họ Trung Chí, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cũng đã tiến hành thu gom, phân loại rác thải, chế phẩm rác thải tái sử dụng. Các cháu thiếu nhi trong giáo họ còn tích cực thu gom phế liệu bán gây quỹ Bác ái để thăm, tặng quà gia đình nghèo, các giáo xứ khó khăn vùng sâu, vùng xa…
“Mỗi một tôn giáo đều có giáo lý của riêng mình, tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường lại hoàn toàn trùng khớp và đồng thuận. Người Công giáo cũng như Giáo hội Công giáo có nhiều quan điểm để ủng hộ việc bảo vệ ngôi nhà chung là Trái đất. Đặc biệt trong thông điệp đầu tay của Giáo hoàng Francis thì Trái đất là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, của nhiều thế hệ không chỉ hôm nay mà còn trong tương lai. Việc người Công giáo Thủ đô ký cam kết với UB MTTQ và các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đồng bào Công giáo hưởng ứng và chủ động thực hiện. Hiện nay, giáo hội đã quyết định lấy ngày 1/9 hàng năm là Ngày Bảo vệ môi trường” - ông Phạm Huy Thông nói.
“Sử giả” bảo vệ môi trường
Từ năm 2016, Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức tôn giáo đã có nhiều hoạt động hưởng ứng với phương châm “Mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về bảo vệ môi trường, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung, để nâng cao nhận thức của người dân, MTTQ thành phố phối hợp với Sở TNMT cùng các tổ chức tôn giáo tổ chức 197 hội nghị tuyên truyền cho hơn 41.000 lượt người nghe nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký kết tại địa phương. Đến nay, có 584 xã, phường, thị trấn; 5.136 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình và các cơ sở thờ tự của tôn giáo. Trong giai đoạn 2019-2020, Ủy ban MTTQ thành phố cùng Sở TNMT và các tôn giáo trên địa bàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn và nâng cao nhận thức cho chức sắc tôn giáo, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện tốt hơn Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Từ những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố sẽ duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm để nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm tại các tôn giáo trên địa bàn dân cư. Cùng với đó đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, thân thiện với môi trường”- bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.