Đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh): Có hợp lý?

LÊ ANH 02/07/2015 11:11

Tấm lòng nhân đạo của anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Ngô Thị Kim Vân (chủ cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc, tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) được chính quyền địa phương ghi nhận, nhưng do cơ sở chật chội, không đảm bảo nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã kiến nghị giải pháp chấm dứt hoạt động đối với cơ sở này.

Đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh): Có hợp lý?

Nguồn: phapluattp.vn

Vướng vấn đề pháp lý

Làm việc với anh Hoàng và chị Vân, đoàn công tác liên cấp (bộ - sở - huyện - xã) trong lĩnh vực bảo trợ xã hội của TP.HCM đã chỉ ra những vướng mắc về vấn đề pháp lý.

Theo bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó Phòng lao động huyện Bình Chánh, hiện cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc vẫn chưa được cấp phép hoạt động, khu đất đặt cơ sở nuôi dưỡng 32 cháu nhỏ cũng nằm trong khu vực quy hoạch, không có chủ quyền nên rất khó trong vấn đề xét cấp phép hoạt động. Thậm chí, theo bà Mai thì khuôn viên của cơ sở này thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của một đứa trẻ.

Theo Nghị định của Chính phủ thì diện tích tối thiểu dành cho mỗi người (khu vực nông thôn) là 30m2. Do đó, Phòng Lao động huyện Bình Chánh đã đề nghị anh Hoàng, chị Vân tìm một vị trí khác phù hợp với tài chính gia đình để làm thủ tục xin cấp phép hoạt động.

Về phía quan điểm của địa phương cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc đứng chân, bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh khẳng định, chính quyền rất ghi nhận tấm lòng nhân đạo của anh Hoàng, chị Vân, thế nhưng để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho 32 trẻ tại cơ sở này thì chính quyền trong chức năng, nhiệm vụ quản lý địa bàn cũng cần nắm bắt được các điều kiện tối thiểu của cơ sở là phải có giấy phép hoạt động. Trong khi đó, ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền cho thủ tục cấp phép và sẵn sàng linh động cho anh Hoàng, chị Vân. Vấn đề là cơ sở phải đảm bảo điều kiện tối thiểu cho trẻ em.

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH cơ bản cũng thống nhất với ngành LĐ-TB&XH TP.HCM khi cho rằng, anh Hoàng và chị Vân phải đảm bảo được những điều kiện tối thiểu cho một cơ sở bảo trợ xã hội. Theo ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng chính sách Cục Bảo trợ xã hội, tấm lòng nhân đạo của anh Hoàng, chị Vân là rất quý, rất đáng hoan nghênh, nhưng 32 cháu nhỏ cũng cần được đảm bảo các điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Bên cạnh đó, Ngôi nhà Hạnh phúc cũng cần phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Có “mạnh tay”?

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc nằm trên khu đất đang quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh phúc. Hiện trạng điểm giữ trẻ gồm: Căn nhà cấp 4, gác lửng, mái tôn, vách tường, trần nhà đóng la phông, diện tích 110 m2 và cộng thêm phần đất trống lợp mái tôn kế bên nhà với diện tích 100m2 do ông Hoàng, bà Vân thuê của chủ đất là ông Đỗ Văn Lung với giá thuê 1.000.000đ/tháng, thời gian thuê từ năm 2011 đến nay.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết thêm, ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại số 159/42, đường Trần Văn Đang, Phường 11, Quận 3) và bà Ngô Thị Kim Vân (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại số 238A, đường Hàn Hải Nguyên, Phường 1, Quận 11) mua lại mảnh đất trên của ông Đỗ Văn Lung với hình thức mua bán giấy tay để xây nhà ở. Đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh phúc.

Đến tháng 2 năm 2006, ông Hoàng và bà Vân bắt đầu mở điểm giữ trẻ, nhưng lúc đầu chỉ nuôi giữ với số lượng trẻ ít (khoảng 5 trẻ). Từ năm 2010 số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra tổng số người là 32 người, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm: trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Khi vợ chồng ông Hoàng tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ. Đến tháng 11 năm 2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra địa điểm trên. Xét thấy điểm giữ trẻ của ông Hoàng chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Bình Hưng đề nghị ông Hoàng, bà Vân ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép tại địa điểm trên và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày. Qua đó ông Hoàng chấp thuận với đề nghị của UBND xã Bình Hưng đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ cuối tháng 5 năm nay, vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các trẻ đều ở xa.

Ngày 3-6-2015, UBND Bình Hưng tiếp tục đến kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia định theo như nội dung ông Hoàng thống nhất tại biên bản ngày 18-3-2014. Tuy nhiên, ông Hoàng và bà Vân vẫn chưa thực hiện. Tiếp đó, UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng, bà Vân thực hiện giao trả trẻ, thời hạn thực hiện trước ngày 15-6 năm nay.

Từ những lý do trên, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã đề xuất giải pháp chấm dứt hoạt động cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích đầy đủ cho trẻ theo quy định. Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì giải quyết hồi gia; trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với những trẻ đang theo học văn hóa, học nghề thì thành phố sẽ đảm bảo trẻ được tiếp tục học văn hóa, học nghề.

Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, hiện đã có một số ý kiến của ĐBQH TP.HCM cho rằng, cần có sự đánh giá đúng tấm lòng của anh Hoàng và chị Vân trong suốt nhiều năm từ 2006 cho đến nay trong việc dưỡng dục 32 trẻ em tại cơ sở. Về mặt thủ tục cũng cần có sự linh động đối với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với việc ghi nhận và phát huy những tấm lòng nhân ái trong xã hội đã và đang âm thầm chăm lo cho các hoàn cảnh cô thế, thiệt thòi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh): Có hợp lý?