Chiều 18/7, dự phiên họp định kỳ của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 3 câu hỏi lớn: Chính phủ cần làm gì? Doanh nghiệp, người dân cần làm gì?
Để tiếp tục kiên định các mục tiêu đề ra mà Đảng, Quốc hội đã giao Chính phủ điều hành, không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2018 nhằm vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, điều được Thủ tướng nhắc đến chính là các cấp, các ngành cần nỗ lực đổi mới, cải cách thực sự, hoạt động hiệu quả hơn, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
3 câu hỏi được Thủ tướng đưa ra xoay quanh chuyện về 2 vấn đề cụ thể là “tỷ giá”, và “lãi suất”. Việc đầu tiên được người đứng đầu Chính phủ đề cập đến là việc 2 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, trong đó 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, những tháng gần đây xuất hiện một số bất cập gây ra nhiều lo ngại. Nhưng Thủ tướng cũng cương quyết khẳng định: Chính phủ nhấn mạnh và yêu cầu không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra đối với điều hành chính sách tiền tệ, không để mất đà tăng trưởng.
Thủ tướng cũng khẳng định: Nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định. Đến nay, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, kể cả chỉ tiêu lạm phát. Nhưng đằng sau nó, theo Thủ tướng là việc với mức tăng trưởng như hiện nay và các kịch bản tăng trưởng thời gian tới thì lạm phát như thế nào? Đánh đổi là gì trong trước mắt, trung, dài hạn? Giải pháp nào để đạt được mục tiêu đề ra? Sức ép lạm phát lớn nên chúng ta phải sử dụng đồng bộ các công cụ như thế nào? Thời điểm và liều lượng ra sao?
Những câu hỏi của Thủ tướng được hướng đến nhằm đưa ra một chính sách tỷ giá, lãi suất nhằm vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các mục tiêu đề ra mà Đảng, Quốc hội đã giao. Trước hết, sức ép lạm phát đang đặt ra rất lớn khi CPI tháng 6 tăng mạnh, 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các đối tác đã tác động lớn tới đối sách của Việt Nam trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Vậy trong bối cảnh đó Việt Nam nên làm gì? Đó là câu hỏi được nhiều cơ quan chức năng đặt ra trong thời gian qua để đưa ra “kịch bản” đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang “phả hơi nóng gáy” đối với nền kinh tế Việt Nam được coi là có độ mở lớn nhất thế giới nhưng cũng dễ bị chịu ảnh hưởng của những tác động trực tiếp hay gián tiếp.
Vừa qua, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa có báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá về những tác động có thể có đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này đã nêu một số đề xuất để bảo vệ nền kinh tế. Tại đây, các chuyên gia kinh tế ở các tổ chức nghiên cứu khác của Việt Nam cũng đang đưa ra những đề xuất bao gồm việc Chính phủ nên xem xét tăng tỷ giá và áp dụng các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế làn sóng hàng hóa từ những nước có đường biên giới chung có thể tràn sang Việt Nam. “Chính phủ nên thận trọng khi đưa ra các chính sách - cả đối nội và đối ngoại - để có thể giảm thiểu rủi ro”-là lời được chính ông Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế của ANZ Singapore đưa ra như một sự cảnh báo.
Ngay bản thân chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận rằng, phá giá tiền đồng có thể thúc đẩy xuất khẩu nhưng cũng sẽ làm tăng lạm phát và gia tăng chi phí nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, do đó phải hết sức cẩn thận. Và theo ông, mức tăng tỷ giá USD/VND khoảng 2% cho cả năm 2018 sẽ là mức hợp lý. Tiền đồng đã giảm giá hơn 1% trong 6 tháng đầu năm.
Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp sản xuất bằng cách cắt giảm tối đa các thủ tục và giấy phép, đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới cũng là một trong những giải pháp cần thiết.
Điều được các chuyên gia lo ngại cũng chính là những băn khoăn được Thủ tướng nhắc đến để làm sao phát triển bền vững thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, đặc biệt là động lực tăng trưởng. Và cũng tại cuộc họp, trao đổi với Thủ tướng, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy nội lực và thị trường trong nước; ổn định lãi suất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, chứng khoán, đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giải phóng sức sản xuất, coi hoàn thiện thể chế, chính sách là động lực tăng trưởng.
Để cởi trói, tạo sự thông thoáng cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng đã từng chỉ đạo các bộ, ngành phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, trình Chính phủ trước ngày 15/8 nhằm quyết tâm dọn sạch những rào cản cho phát triển. Nhưng nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4. Một sự thật “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang diễn ra bất chấp những “tối hậu thư” đã được đưa ra.
Quyết tâm của Thủ tướng đưa ra là “không được để mất đà tăng trưởng”. Còn nhiệm vụ đặt ra đối với các bộ ngành là “nỗ lực đổi mới”, “cải cách thực sự” để hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn đang tồn tại. Chỉ có thể cải cách khi môi trường đầu tư được thực sự thông thoáng để giải phóng sức sản xuất. Chỉ có thể là động lực tăng trưởng khi những rào cản được cởi trói, để những thể chế, chính sách thực sự là những “bà đỡ” của nền kinh tế thay vì việc “bơm tiền” để tăng năng suất. Và cũng chỉ có thể thành động lực thực sự khi chấm dứt được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Có như vậy những câu hỏi được Thủ tướng đặt ra mới có lời giải.