Ngày 13/5, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp tư vấn quản trị hợp tác xã theo mô hình Hợp tác xã Hán Quang (Đài Loan - Trung Quốc) cho các hợp tác xã trong tỉnh.
Đồng Nai hướng tới xây dựng hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.Ảnh minh họa: Bùi Như Trường Giang-TTXVN.
Từ đó học tập kinh nghiệm sản xuất của các chuyên gia tại Đài Loan để ứng dụng vào thực tế, phát triển sản xuất.
Theo đó, với mô hình này, hợp tác xã không chỉ là nơi tập trung tổ chức sản xuất của các thành viên, mà còn là nơi cung cấp dịch vụ đầu vào, bao tiêu đầu ra cho hàng hóa nông sản của người nông dân. Trong đó nông dân chỉ góp đất và chuyên tâm sản xuất, còn giống, phân bón, quy trình canh tác, chuẩn sản phẩm do hợp tác xã cung cấp.
Chủ tịch Hợp tác xã Hán Quang, ông Liễu Đình Xuyên cho biết, khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ bắt đầu từ con số không. Tuy nhiên sau gần 30 năm hình thành và phát triển, ứng dụng những khoa học tiến bộ trong sản xuất, đến nay hợp tác xã đã phát triển hơn 260 thành viên và trên 800 hộ nông dân là đối tác thường xuyên; tài sản hiện có trên 200 triệu Đài tệ, doanh thu khoảng 50 triệu USD/năm.
Hợp tác xã Hán Quang xây dựng phần mềm chuyên dùng đạt chuẩn phục vụ cho công tác quản lý. Theo đó, các thành viên của hợp tác xã và hộ nông dân chỉ cần đăng ký trồng loại cây nào, toàn bộ quy trình kỹ thuật từ chọn giống làm đất, kỹ thuật canh tác, thu hái, bảo quản đều được hợp tác xã hỗ trợ, chuyển giao.
Theo ông Liễu Đình Xuyên, rau, củ, quả của hợp tác xã được trồng trong hệ thống nhà lưới, nhà màn để hạn chế sự phá hoại của các loại côn trùng, sâu bệnh cũng như hạn chế những tác động xấu của thời tiết ảnh hưởng đến cây trồng.
Sau khi thu hoạch xong, sản phẩm sẽ để ngay trên phần đất trồng, máy móc sẽ thu gom và chuyển vào khu vực sơ chế giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động.
Đặc biệt để kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong rau, củ, quả, hợp tác xã có đội ngũ chuyên gia pha trộn sẵn phân, thuốc và hướng dẫn bà con chăm bón vào thời điểm thích hợp theo yêu cầu sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chuyên dùng trên cơ sở dữ liệu thông tin điện toán đám mây ERP, toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã được dán mã vạch nên người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc mọi lúc mọi nơi.
Với phần mềm này sẽ xác định được thời điểm thu hoạch, sản lượng của từng hộ. Hợp tác xã sẽ bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm, sau đó phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối sản phẩm đến từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh, hiện nay, việc học tập sản xuất theo mô hình Hợp tác xã Hán Quang là rất cần thiết, trên địa bàn tỉnh hiện có 120 hợp tác xã nông nghiệp nhỏ sản xuất lạc hậu, thủ công, hiệu quả kinh tế không cao.
Đồng Nai cũng là tỉnh có gần 80% diện tích đất nông nghiệp; trong đó hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn nên tỉnh tập trung ưu tiên số một cho công tác phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, ngành nông nghiệp của tỉnh muốn bền vững buộc phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và ổn định sản xuất.
Theo ông Võ Văn Chánh, việc mời các chuyên gia của Hợp tác xã Hán Quang về trực tiếp giảng dạy, tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hợp tác xã, nông dân sản xuất trong tỉnh là việc làm thiết thực.
Khi tiếp xúc với người thật việc thật các chuyên gia sẽ tư vấn, giúp đỡ, đưa ra những phương pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.