Đông Nam Á ‘nóng’ vì biến thể Covid

Hà Anh 02/07/2021 08:00

Các nước Đông Nam Á đang đối mặt với những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới vì sự xuất hiện của biến thể Delta. Trong bối cảnh các ca tử vong và mắc mới không ngừng tăng, phong tỏa diện rộng dường như không đủ để ngăn đà lây lan dịch bệnh. Tích cực tìm kiếm nguồn cung vaccine là giải pháp đang được tập trung hướng tới.

Người dân Indonesia xếp hàng chờ làm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Getty.

Tăng đột biến ca tử vong

Ngày 1/7, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, với 57 trường hợp được thông báo không qua khỏi trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết, đã ghi nhận thêm 5.533 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc từ trước tới nay lên 264.834 ca, trong đó có 2.080 bệnh nhân tử vong.

Trước đó một ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 4.786 ca mắc mới Covid-19 và 53 ca tử vong. Phần lớn các ca mắc mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ đầu tháng 4 khi làn sóng thứ 3 dịch Covid-19 bùng phát.

Ngày 30/6, người đứng đầu trung tâm hoạt động của CCSA, Đại tướng Natthapol Nakpanich, dự báo làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 sắp xảy ra vì biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đang nhanh chóng lan rộng trong nước.

Cùng với đó, ngày 30/6, Malaysia cũng ghi nhận 62 ca tử vong do Covid-19, đưa tổng số người tử vong vì dịch bệnh tại nước này tính riêng trong tháng 6 lên 2.377 người, tăng hơn 84% so với tháng 5 (1.290 người) và gấp hơn 5 lần so với tổng số người tử vong vì Covid-19 trong cả năm 2020 (471 người).

Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Rachada Dhanadirek ngày 1/7 cho biết, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao nước này đã ký thoả thuận nhận 1,05 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca từ Nhật Bản. Việc giao vaccine dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 này.

Theo Bộ Y tế Malaysia, ngày 30/6, nước này ghi nhận 6.276 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở Malaysia trên mức 6.000 ca, sau 5 ngày liên tiếp khoảng 5.000 ca.

Tới nay, Malaysia có tổng cộng 751.979 ca mắc Covid-19, bao gồm 64.129 ca vẫn đang điều trị, tương đương 8,53%, và 5.170 ca tử vong (khoảng 0,69%). Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Yaakob kêu gọi người dân tuân thủ Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOP), làm phẳng đường cong dịch bệnh, qua đó sớm tiến tới tiếp tục thực hiện giai đoạn mới Kế hoạch Hồi phục quốc gia.

Tình hình dịch Covid-19 cũng tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu tại Campuchia khi số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 trong ngày 30/6 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.

Bộ Y tế Campuchia ngày 30/6 ra thông cáo xác nhận tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 50.000 ca và chỉ trong 24 giờ qua đã có thêm 1.130 ca mới (bao gồm cả 139 ca nhập cảnh). Đây là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 trong một ngày tại Campuchia ở mức bốn chữ số.

Cùng với đó, số ca tử vong cũng ở mức cao chưa từng thấy với 27 người, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại đây lên 602 ca kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2. Trước ngày 20/2, Campuchia chưa có ca tử vong nào vì Covid-19. Những con số thống kê tăng nhanh cả về ca mắc mới và ca tử vong mỗi ngày đang khiến cho giới chức Campuchia lo ngại.

Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban thường trực Ủy ban quốc gia của Campuchia về phòng chống dịch Covid-19 ông Aun Porn Moniroth đã kêu gọi tất cả các tỉnh, thành trên cả nước phải tăng cường mọi biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Delta lây nhiễm trong cộng đồng.

Phong tỏa khẩn cấp

Theo Lực lượng đặc nhiệm ứng phó Covid-19 Indonesia, nước này đã bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai. Làn sóng đầu tiên xảy ra vào tháng 1/2021 với gần 90.000 ca mắc/tuần, trong khi ở làn sóng thứ hai con số này đã tăng gần gấp đôi, đạt 125.396 ca/tuần.

Trước tình hình trên, Tổng thống Joko Widodo ngày 1/7 yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét bài học từ Ấn Độ và khẳng định sẽ áp dụng các giới hạn để giảm tốc độ lây lan Covid-19 nhưng cũng đồng thời đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế.

Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia đang đề xuất dự thảo quy định giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô khẩn cấp trên đảo Java và Bali. Theo đề xuất này, các giới hạn sẽ có hiệu lực từ ngày 3-20/7 và được áp dụng cho 121 quận huyện ở đảo Java và Bali.

Ngày 30/6, Chính phủ Indonesia cũng thông báo sẽ áp dụng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3-20/7 với mục tiêu giảm số ca xuống còn 10.000 ca/ngày. Indonesia dự kiến sẽ phong tỏa 121 quận/huyện và thành phố trên đảo Java và Bali; điều chỉnh các biện pháp phong tỏa khẩn cấp trong bối cảnh quốc gia này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong hai tuần qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận 2.156.465 ca mắc Covid-19, trong đó có 58.024 trường hợp đã tử vong. Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tăng vọt được các chuyên gia nhận định do kỳ nghỉ lễ dài ngày Eid Al-Fitri và biến thể Delta.

Tích cực tìm nguồn cung vaccine

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti của Nga, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar Min Aung Hlaing cho biết, nước này đang đàm phán mua 7 triệu liều vaccine Sputnik ngừa Covid-19 của Nga, sau khi ban đầu dự định mua 2 triệu liều nhằm giải quyết làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới. Tuy nhiên, ông không nói rõ đó là loại vaccine Sputnik V hay Sputnik Light tiêm 1 liều.

Ông Aung Hlaing, người vừa trở về sau chuyến công du Nga, cho hay nước láng giềng Ấn Độ - ban đầu là nguồn cung phần lớn vaccine cho Myanmar, đã không thể tiếp tục cung cấp thêm do nước này phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng.

Ngoài ra, Malaysia cũng vừa thông báo nước này sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca ngừa Covid-19 do Nhật Bản tài trợ vào ngày 1/7 và 1 triệu liều vaccine của hãng Pfizer-BioNTech do Mỹ tài trợ vào ngày 2/7.

Nhật Bản cũng đã quyết định tài trợ vaccine của hãng AstraZeneca với số lượng tương tự cho Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh thu mua vaccine trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới bùng phát, làm trầm trọng thêm dịch bệnh vốn đã dai dẳng ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Dịch Covid-19 cũng đặt ra thách thức cho Thái Lan, Campuchia và Singapore - những nơi từng kiểm soát nhanh chóng các đợt dịch trước đó.

Zuellig Pharma, đối tác cung cấp vaccine Covid-19 của hãng Moderna ở Đông Nam Á, cho biết, các đơn đặt hàng trong khu vực gần đạt giới hạn cho năm nay.

Ông John Graham- Giám đốc điều hành Zuellig cho biết, Singapore, Philippines, Thái Lan nằm trong số những nước đang tìm kiếm thỏa thuận hoặc hoàn tất hợp đồng với Moderna hoặc đã nhận vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á ‘nóng’ vì biến thể Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO