Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng

Diệu Hoà 05/01/2023 17:22

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng” là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023.

Ngày 5/1, trong khuôn khổ Lễ hội Quýt hồng lần I – năm 2023, UBND huyện Lai Vung phối hợp với Báo Nông nghiệp tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát huy tiềm năng giá trị quýt hồng. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng lãnh đạo sở, ngành, tỉnh đến dự hội thảo.

Hội thảo nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng; huy động sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, nhà khoa học, những nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trong canh tác quýt hồng; đề xuất giải pháp hiệu quả, đánh giá đúng thực trạng về tình hình sản xuất, tiêu thụ đối với sản phẩm quýt hồng của huyện Lai Vung,…

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung chia sẻ tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung chia sẻ: Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng” là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023.

“Qua Lễ hội cũng như Hội thảo này, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị cây quýt hồng Lai Vung là việc cần thiết và chúng tôi cần làm, nó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà sâu xa hơn, chúng tôi xác định đó là bổn phận để từng bước đưa ngành hàng một thời mang đến sự ấm no, hạnh phúc cho người dân trồng quýt hồng Lai Vung.” – ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ nhiều thông tin tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hiền mong muốn, qua hội thảo, thắt chặt hơn sự gắn kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và người trồng quýt; cùng nhau chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm phát triển bền vững và gia tăng giá trị cây quýt hồng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đẩy lùi dịch bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh để phát triển diện tích quýt hồng trở lại với thời kỳ vàng son ban đầu; chuẩn hóa quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm nhằm tạo điều kiện đủ để cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm quýt hồng xâm nhập được vào tất cả các thị trường trong nước và từng bước thâm nhập các thị trường ngoài nước; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho nhà vườn.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngoài ra, tìm ra phương pháp rải vụ tạo ra sản phẩm liên tục trong năm nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng; ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến tạo ra nhiều sản phẩm từ quýt hồng để gia tăng giá trị; giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân; tránh tình trạng được mùa rớt giá; phát triển các điểm tham quan du lịch cộng đồng ngày càng phong phú, chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức vẽ đẹp quýt hồng của mọi người nhằm tăng lợi nhuận và góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia chia sẻ thông tin tình hình, định hướng sản xuất tiêu thụ các loại nông sản nói chung, cây quýt hồng nói riêng. Đồng thời, đưa ra giải pháp công nghệ trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch cây có múi, đặc biệt là quýt hồng; giải pháp khoa học công nghệ trong chế biến phát huy tiềm năng giá trị quýt hồng Lai Vung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng