Hơn 866.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 1) với sự đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Năm nay, số lượng thí sinh vi phạm Quy chế thi ở mức đình chỉ thi là 38 thí sinh, giảm rõ rệt so với con số 71 thí sinh của kỳ thi năm 2019.
Chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực
Phát biểu tại cuộc họp báo lúc 17h chiều 10/8/2020, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Phó trưởng BCĐ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho biết đến thời điểm này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GDĐT; sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GDĐT, các trường đại học, cao đẳng; sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông.
Cụ thể, theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc. Kỳ thi diễn ra trật tự, an toàn đảm bảo khách quan công bằng. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả nước. Không có hiện tượng phao thi. Mọi hành vi vi phạm Quy chế thi được phát hiện đều bị xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
“Trước thách thức rất lớn khi dịch Covid-19 quay trở lại, chúng ta đã quyết tâm tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Điểm sáng nổi bật của kỳ thi năm nay đó là 62 tỉnh thành có phương án cụ thể để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra an toàn nhất. Các công tác chuẩn bị này đã được thực hiện với 2.029 điểm thi trên tổng số 38.210 phòng thi của cả nước”- ông Trinh nói.
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, ngoài 38 thí sinh vi phạm Quy chế ở mức đình chỉ thi, có 1 thí sinh bị khiển trách. Đây là điểm sáng so với kỳ thi năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn còn 18 cán bộ coi thi ở các địa phương vi phạm Quy chế thi. Nguyên nhân là vì không đảm bảo đủ thời gian thi của các thí sinh cũng như chưa sát sao kiểm tra danh sách các thí sinh tham gia kỳ thi dẫn đến 1 thí sinh ở Bình Phước không tham gia môn thi Địa lý…
Ông Trinh cũng đánh giá cao các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên,… các hội đồng thi có nhiều giải pháp để hỗ trợ các thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi năm nay.
Đề thi phù hợp, đảm bảo xét tuyển ĐH
Nhận định về đề thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng, Bộ GDĐT ghi nhận ý kiến của xã hội, các chuyên gia khảo thí và nhất là các thí sinh với đề thi ở tất cả các môn đều bám sát chương trình tinh giản Bộ GDĐT đã công bố do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, bám sát đề thi minh họa đã công bố.
Bà Nguyễn Thu Thủy- quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết, Bộ theo dõi truyền thông cũng như ý kiến của xã hội thì nhận thấy đề thi được đánh giá rất phù hợp, có độ phân hóa tốt vừa phù hợp thi tốt nghiệp, vừa đảm bảo mức độ phân hóa để các trường sử dụng kết quả xét tuyển ĐH. “Các thí sinh giỏi cũng yên tâm vì kết quả bài làm sẽ được ghi nhận. Các trường ĐH, nhất là các trường có mức độ cạnh tranh cao sẽ có cơ sở để xét tuyển được các thí sinh phù hợp dựa vào kết quả thi tốt nghiệp”- bà Thủy cho biết.
Đối với các thí sinh thi đợt 2, Bộ GDĐT cho biết tùy vào tình hình của dịch Covid-19, Bộ sẽ tổ chức thi vào thời điểm thích hợp trên cơ sở phải đảm bảo an toàn cho các em, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Bà Thủy cũng lưu ý các trường sẽ không chỉ xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nên các thí sinh thi đợt 2 hoàn toàn yên tâm và theo dõi kỹ các trường để đăng ký cho phù hợp.
Bắt đầu chấm thi từ 11/8
Liên quan đến công tác chấm thi, tại buổi họp báo, ông Trinh cho biết công tác chấm thi sẽ diễn ra theo lịch trình đã đề ra. 62 tỉnh thành phố có thí sinh dự thi đợt 1 năm nay đã tính toán kỹ cả 2 khâu gồm tổ chức thi và chấm thi với mục tiêu đặt ra là an toàn sức khỏe ở mức cao nhất. Trong đó, Bộ cũng tính toán đủ quỹ thời gian để thiến hành chấm thi vừa đảm bảo về mặt chất lượng và tiến độ. Cụ thể, ngay từ hôm nay, 11/8 các địa phương sẽ triển khai công tác chấm thi.
Việc công bố đáp án sẽ được công bố theo tiến độ chấm thi tư luận và trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tiêu cực ở mức cao nhất. Bộ sẽ công bố điểm thi khi hoàn thành công tác chấm thi cũng như các công việc có liên quan. Tất cả các hình thức công bố điểm thi là miễn phí trên cơ sở thông tin thông suốt, đảm bảo không nghẽn mạng để thí sinh tiện tra cứu.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc phân tích phổ điểm thi năm nay, đại diện Bộ GDĐT cho biết vẫn sẽ tiến hành đánh giá phân tích bình thường song song với điểm học bạ của thí sinh. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra thì đây vẫn là một bước quan trọng để kiểm soát chất lượng thí sinh nên Bộ sẽ không lơ là.
* Kết thúc đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, theo Bộ GDĐT, tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 96%. Trong đó, Ngữ văn: 96,35%; Toán: 96,78%; Ngoại ngữ: 96,66%; Vật lí: 96,52%; Sinh học: 96,56%; Hóa học: 96.5%; Lịch sử: 96,87%; Địa lý: 96,9%; Giáo dục công dân: 96,77%.
* Địa phương chủ trì chấm thi: Bộ GDĐT quy định việc vận chuyển bài thi của thí sinh từ điểm thi về điểm tập kết để bàn giao phải luôn có sự giám sát của lực lượng công an. Khu vực chấm thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình 24 giờ/ngày tại phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi.
Trước đó, ở kỳ thi năm 2019, các địa phương chủ trì chấm các bài thi môn tự luận, các trường ĐH chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, năm nay các địa phương được giao chủ trì tổ chức chấm toàn bộ các bài thi, gồm cả tự luận và trắc nghiệm. Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chấm thi tại địa phương.
Theo đó, Bộ GDĐT sẽ điều động lực lượng thanh tra của Bộ để “cắm chốt” tại từng địa phương nhằm giám sát chặt khâu chấm thi. Theo quy chế, mỗi bài thi tự luận sẽ được 2 cán bộ chấm chi chấm độc lập; bài thi trắc nghiệm được chấm trên phần mềm. Các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận mã khóa phần mềm chấm thi từ Bộ GDĐT. Bộ yêu cầu các điểm chấm thi trắc nghiệm phải chấm thử một số bài, thấy bảo đảm an toàn mới tiến hành chấm chính thức, tránh những trường hợp bất thường.